Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, 9 ngân hàng niêm yết đều báo cáo lãi mạnh. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những khoản nợ có khả năng mất vốn lại chiếm tới hơn một nửa (57%) cùng mức tổng nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết lên tới 19.992 tỷ đồng.

 

 

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, 9 ngân hàng niêm yết có tổng cộng 34.796 tỷ đồng nợ xấu. Tăng 5,7% so với cuối năm 2014. Đáng chú ý, khoản nợ có khả năng mất vốn lại chiếm tới hơn một nửa (57%) tổng nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết (19.992 tỷ đồng).

 

BIDV đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 3 trên tổng nợ xấu cao nhất 9 ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu đạt 11.925 tỷ đồng, tăng tới 72,3% so với cuối năm 2014. Theo giải trình liên quan đến nợ của BIDV, các khoản cho vay một số đơn vị là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và một số đơn vị thành viên và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) được phân loại và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét cơ cấu lại khoản nợ cũ của Vinashin và Vinalines.

 

Ngoài ra, trong năm 2014, BIDV là ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhiều nhất với 6.600 tỷ đồng. Và trong 9 tháng đầu năm nay, BIDV đã bán hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, vượt 25% so với kế hoạch đề ra.

 

Mặc dù là ngân hàng có nợ xấu giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng mạnh là Vietcombank, có tổng cộng 7.141 tỷ đồng nợ xấu, giảm hơn 300 tỷ so với cùng kỳ và chiếm 2% trên tổng dư nợ. Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 38%, từ 3.571 tỷ đồng đầu năm lên 4.938 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nợ xấu.

 

Tại thời điểm ngày 30/9, nợ xấu Vietinbank đạt 4.761 tỷ đồng, tăng 28% so với con số cuối năm 2014. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.685 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng (tương ứng tăng 28,7% so với số cuối năm 2014).

 

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến nhóm nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng tăng cao, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, tính trong cả năm 2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 19%. Tiếp tục xu thế của 2014 thì các ngân hàng thương mại tiếp tục chuyển nợ xấu sang cho Công ty quản lý tài sản (VAMC). Đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu đã chuyển là 225.000 tỷ đồng. “Nhờ mẫu số thì tín dụng tăng mạnh, tử số thì phần nợ xấu đã được chuyển cho VAMC nên tỷ lệ nợ xấu chính thức đã giảm xuống 3%. Nhưng nếu, cộng ngược lại cái nợ xấu của VAMC mà chưa được xử lý thì tỷ lệ nợ xấu phải lên đến trên 7% và như vậy nợ xấu vẫn còn nằm ở đó nên nợ xấu ngân hàng được chia thành các nhóm nợ từ 2 đến 5, nhóm nợ có khả năng mất vốn về số tuyệt đối là đều tăng”, ông Thành nói.

 

Về những biện pháp khắc phục, ông này cho rằng, để có thể thật sự giảm được nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn, vấn đề nằm ở 2 khía cạnh là nợ xấu phải thật sự được xử lý không phải tạm cất đấy, cũng không phải tái cơ cấu lại theo hình thức đảo nợ hay gia hạn nợ mà là thu hồi nợ. Tiếp theo là phải xử lý tài sản đảm bảo và các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ.

 

Theo NTD

.