Thông tư số 43/2016/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2017) đã đưa ra quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững. Từ đây, kỳ vọng đảm bảo quyền lợi của người vay.

 


Hoạt động vay tiêu dùng mang lại lợi ích thiết thực là vậy, song trên thực tế, do thói quen của một bộ phận người dân không tìm hiểu kỹ các thông tin về bên cho vay trước khi ký hợp đồng, cộng với việc không nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay vốn nên loại hình này đã phát sinh một số hệ lụy không mong muốn.

Thực tế, trong những năm qua, có rất nhiều trường hợp kiện tụng liên quan đến vấn đề cho vay tiêu dùng. Chính vì vậy, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có sự thay đổi trong vấn đề cho vay tiêu dùng hiện nay.

Theo nội dung mới về cho vay tiêu dùng mà Ngân hàng Nhà nước quy định trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN, hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi tiền vay dưới hình thức tiền đồng, khách hàng vay là cá nhân.

Mục đích cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được hạn chế trong một số hoạt động, bao gồm: mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó. Cụ thể, các nhu cầu vay để mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao, chi phí sửa chữa nhà ở được xác định là vay vốn tiêu dùng.

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng với một cá nhân tại công ty tài chính không được vượt quá 100 triệu đồng, trừ trường hợp khách hàng vay tiền để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Vay theo lãi suất thỏa thuận

Thông tư cũng quy định rõ, công ty tài chính phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ vay; biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ; các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong cho vay tiêu dùng và các biện pháp bảo đảm việc tuân thủ đầy đủ các quy tắc, chuẩn mực này; bộ phận chuyên trách và phương thức tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng; quy trình, thẩm quyền và trách nhiệm mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ; chuẩn mực đạo đức, quyền hạn và nghĩa vụ của nhân viên tại điểm giới thiệu dịch vụ, quy trình hoạt động, kiểm tra, phòng chống gian lận, phòng ngừa rủi ro đạo đức của nhân viên tại điểm giới thiệu dịch vụ (Điều 7).

Bên cạnh đó, công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi Ngân hàng Nhà nước để giám sát (Điều 9).


Thông tư cũng quy định, hợp đồng cho vay tiêu dùng phải bao gồm các nội dung về hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn; điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại đối với trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng (khoản 1 Điều 10).

Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (khoản 4 Điều 10)...

Việc ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN nhằm hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 39/2014/NĐ-CP, hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
 

Hữu Bắc

.