(BVPL) - Ngoài hệ thống tín dụng thương mại như hiện nay thì Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới vừa để đa dạng hóa các kênh huy động vốn vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tín thác bất động sản và đặc biệt là mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở…

 

Định chế tài chính chưa thỏa mãn thực tế


Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tốc độ  tăng trưởng tín dụng đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản có sự tăng, giảm bất thường. Trong khi tín dụng cho vay đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê tăng tới trên 76%, thì cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở lại giảm gần 27%. Trong năm 2011, lãi suất vay tín dụng bất động sản có thời điểm lên tới trên 20%/năm, song có rất ít hợp đồng tín dụng  được cấp mới, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đang xây dựng dở dang. Dư nợ cho vay các dự án bất động sản tăng nhanh, tuy nhiên, việc phê duyệt hồ sơ tín dụng không căn cứ vào khả năng chi trả và sức hấp thu của thị trường đối với sản phẩm được tài trợ tín dụng. Theo ý kiến các chuyên gia ngân hàng, những năm trước đây đa phần  doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, giá bất động sản không chỉ giảm mạnh mà thanh khoản kém khiến nhiều chủ đầu tư dù có muốn bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng cũng khó. Và bản thân các ngân hàng khi muốn xử lý tài sản đảm bảo, mà đa số là  bất động sản cũng  rất khó khăn. Điều này để lại hệ quả  là tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng bất động sản tăng cao, có nguy cơ mất khả năng thanh khoản.

Việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở phát sinh nhiều tồn tại, bất cập về vấn đề huy động tài chính. Thời gian qua, nguồn tài chính chủ yếu được huy động từ 4 kênh chính: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cấp vốn từ ngân sách, hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí…; Từ các tổ chức tín dụng thương mại, đây được coi là kênh huy động vốn chủ yếu để phục vụ việc phát triển nhà ở thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; Huy động từ các thành phần kinh tế bằng nguồn vốn tự có của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, vốn hợp tác đầu tư, vốn liên doanh liên kết, vốn từ tiền mua nhà trả trước của người có nhu cầu; Huy động từ các định chế tài chính khác như các Quỹ đầu tư phát triển, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội…

Trong những năm vừa qua, việc phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thương mại. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các tổ chức tín dụng thắt chặt hoặc dừng việc cho vay đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng, gây tác động xấu đến nền kinh tế.

Sẽ có Ngân hàng tiết kiệm nhà?

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Nhà nước cần phải ban hành các quy định, các chính sách cụ thể nhằm hình thành các kênh huy động vốn chuyên biệt phục vụ cho việc phát triển nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung, nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thương mại. Đây cũng là mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong việc nghiên cứu, xây dựng các quy định về tài chính cho phát triển nhà ở trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2014.

Đại diện Bộ Xây dựng vừa cho biết, nếu được thông qua, mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở có thể chính thức được triển khai và áp dụng trên cả nước vào đầu năm 2017. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hóa, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân. Nguồn vốn để hình thành Ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ từ vốn tự có của các chủ sở hữu tham gia thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ Ngân hàng tiết kiệm nhà ở…
 

Trong Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1 là không quy định thời hạn sở hữu. Phương án 2 có quy định thời hạn sở hữu, với mốc thời gian đưa ra  bằng thời gian thuê đất hoặc là 70 năm. Khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước. Sở dĩ đưa ra như vậy sẽ giảm giá thành chuyển nhượng nhà ở, kích cầu người mua nhà. Tuy nhiên, đa số khách hàng đã mua những căn hộ này đều tìm cách sở hữu vĩnh viễn ngôi nhà, nếu không được thì họ chỉ sử dụng một thời gian rồi bán đi.

 

Trần Tâm

.