“Đúng là ngân hàng đang dồi dào vốn và có tiền thực cho doanh nghiệp vay hay không? Hay chỉ là chính sách nêu lên nhưng đến khi doanh nghiệp tiếp cận thì lại rất khó khăn?”.
Cùng chung mối quan ngại, ông Bùi Ngọc Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Thành cũng chia sẻ, DN Hùng Thành từ trước tới nay chưa hề có nợ xấu song trầy trật làm việc với ngân hàng mãi cũng chỉ vay được 1,3 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu công ty phải huy động từ cán bộ nhân viên.
“Các ngân hàng cứ nói là ‘đốt đuốc đi tìm DN để cho vay’ nhưng tôi thấy có đúng đâu. DN của tôi chưa hề có nợ xấu, chủ động tìm đến ngân hàng nhưng cũng chỉ vay phần nào so với số vốn yêu cầu”- ông Tường cho biết.
Vì thiếu tin tưởng vào “những lời nói hay, nhưng làm thì dở” nên trong lần gặp gỡ với ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), tổng giám đốc Công ty CP Clever đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Có thực là ngân hàng đang có tiền tươi để chờ đợi doanh nghiệp đến vay, hay chỉ là nói cho vui?”
Không bất ngờ trước câu hỏi của ông Dinh, ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, đúng là có hiện tượng ngân hàng làm khó DN vay, vì sợ trách nhiệm, sợ nợ xấu nên khi DN có chút vướng mắc đều trả lời “không cho vay để an toàn”. Đây cũng là một phần trong những nguyên nhân khiến dư nợ cho vay không thể tăng trưởng được.
“Tôi không thể tự khen là ngân hàng mình thông qua hồ sơ vay của khách hàng nhanh, thuận lợi vì như thế là tự khen mình. Nhưng hiện LienVietPostBank đang thừa 3.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi với DN. Anh hãy cho tôi số điện thoại, ngay ngày mai Giám đốc Chi nhánh Bắc Giang sẽ xuống làm việc trực tiếp với DN xem khó khăn của DN là ở đâu” – ông Hưởng nói.
Vị CEO ngân hàng này cho biết, vừa mới hôm qua ông đã ký ban hành quy chế cải tổ thẩm định hồ sơ vay trong toàn hệ thống LienVietPostBank để rà soát lại những điểm nghẽn trong quá trình soát xét hồ sơ của khách hàng.
“Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những cán bộ sợ trách nhiệm trong quá trình cho vay, thậm chí là cho nghỉ việc nếu hồ sơ vay tốt mà vì lý do nào đó e sợ. LienVietPostBank cũng có hiện tượng này, nhưng chúng tôi sẽ rà soát lại, ai sợ trách nhiệm thì cho nghỉ việc, phải biết mạo hiểm thì mới có được lợi nhuận”- Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng quả quyết.
Ngân hàng nên “ăn lãi” ít để giúp DN
Số liệu của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) tính tới ngày 25/11 tăng trưởng dư nợ tín dụng mới chỉ đạt 7,54%. So với mục tiêu 12% được Thống đốc NHNN đưa ra hồi đầu năm thì trong tháng cuối năm 2013 dư nợ cho vay phải tăng được gần 4,5% nữa, tương đương 130.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ còn lại của kế hoạch đặt cao như vậy, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay không thể hoàn thành.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển, thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, một phần không nhỏ vốn của các ngân hàng hiện đang nằm ở các tổng công ty, DN “con” của các ngân hàng, các tập đoàn tư nhân. Vì thế có sự thiên vị của các ngân hàng trong việc thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, chỉ tập trung vào các DN lớn còn hầu hết DN nhỏ và vừa khó tiếp cận với vốn vay.
Tại nhiều nhà băng lớn, tăng trưởng vốn vay hai tháng trở lại đây dù đã tăng mạnh hơn so với đầu năm nhưng mức tăng chung vẫn rất thấp. Hầu hết các ông chủ ngân hàng đều thừa nhận, tới giờ phút này mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã không thể hoàn thành. Như tại Sacombank dự kiến tăng trưởng dư nợ vốn vay sẽ chỉ đạt 15% so với mục tiêu được “phân giao” là 20%. Hay như tại Eximbank tới cuối tháng 10 mới đạt khoảng 8% và dự kiến cả năm 2013 tăng trên 10%, rất khiêm tốn với chỉ tiêu là 15%...
Chia sẻ với PV Infonet, CEO một ngân hàng thương mại cổ phần vừa sáp nhập chia sẻ, trong bối cảnh nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn trong tăng trưởng tín dụng buộc các nhà băng phải thận trọng trong giải ngân cho vay đối với DN. Vì thế, bên cạnh tài sản thế chấp thì yếu tố quan trọng quyết định cho vay chính là tình hình kinh doanh của DN có khả thi hay không. Nếu DN có chiến lược, dự án tốt mà đầu ra sản xuất không có. Sản xuất bao nhiêu đắp chiếu để đấy trong nhà kho thì ngân hàng cũng không thể cho vay được.
Cái khó của nghịch lý ngân hàng thừa vốn, DN thiếu vốn nhưng không thể gặp được nhau, theo sếp của LienVietPostBank không phải không giải quyết được. Trước tiên, phải cho nơi thừa và thiếu gặp nhau, thậm chí “thừa đi tìm thiếu”.
Ông dẫn chứng, tại LienVietPostBank, có những khoản vay lãi suất 7-5%/năm, thậm chí có những khoản vay như đối với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi suất chỉ 5%. Tuy nhiên, loại doanh nghiệp nào cho vay với lãi suất 7%/năm, loại nào cho vay lãi suất 12%/năm và loại DN nào thì kiên quyết không cho vay cũng phải cân đối phù hợp. Nhiều DN trước đây là đại gia, nhưng giờ nếu tính số nợ trên tổng tài sản thì đã âm hết vốn. Với các DN này, dù lãi suất cho vay có 0%/năm thì vẫn không có khả năng trả nợ.
Kế tiếp là “thừa phải chịu đi tìm cái mới”. Giờ không còn là thời ngân hàng chỉ chăm chăm cho vay để kiếm lãi, mà phải tìm tới những kênh đầu tư khác để sinh lời hơn. Còn đối với cho vay, ngân hàng nên “ăn dày” ít đi để cứu DN.
“Chúng tôi xác định nếu lãi ít, thậm chí là không lãi để giúp những DN có cơ hội vực dậy, phát triển vì quan niệm khi mình giúp họ vượt qua khó khăn, sau này họ sẽ là những người bạn tốt của mình” – CEO của LienVietPostBank nêu quan điểm.
Theo Infonet