Trước những lời đường mật của các nhân viên tư vấn của công ty tài chính, không ít người đã vội vàng ký vào bản hợp đồng cho vay tiêu dùng mà không suy xét kỹ. Kết quả, khi xem kỹ lại họ mới giật mình bởi lãi suất siêu khủng mà những hợp đồng này đem lại.
Dễ vay nhưng khó trả
Để thu hút được nhiều người vay tiêu dùng các tổ chức doanh nghiệp đã bung ra những chiêu đặc biệt trong đó là đơn giản hóa tối thiểu thủ tục cho vay. Người vay chỉ cần photo giấy chứng minh thư, hộ khẩu là có thể được giải quyết nhanh gọn.
Đa phần người dân tìm đến hình thức vay tiêu dùng bởi cần tiền gấp hoặc muốn sở hữu một món hàng nào đó nhưng chưa đủ tiền và cũng vì lý do ấy mà không tìm hiểu kỹ trước khi vay thì hậu quả về sau là không nhỏ. Bởi các công ty này đã khéo chia đều tổng số tiền phải trả cho phù hợp với túi tiền người vay trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, cách đơn giản hóa thủ tục ban đầu, hàng hóa trao liền tay đã khiến cho nhiều khách hàng “dính bẫy” lãi suất cao mà không hay.
Trong thời gian qua, liên quan đến việc vay tiêu dùng, có nhiều trường hợp đã xảy ra tranh cãi giữa bên cho vay và bên vay. Thậm chí, có những vụ do không giải quyết được, người dân phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp.
Mới đây nhất, anh Trần Thanh Phương, ngụ tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang đã gửi đơn khiếu nại Công ty tài chính PPF Việt Nam, trụ sở chính đặt tại TPHCM đến tòa soạn Epress.
Cụ thể, ngày 4.11.2013 anh Phương có mua một chiếc xe Nouvo trị giá 37 triệu đồng tại của hàng Thuận Phát 2, địa chỉ số 64A Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, TP Mỹ Tho. Nghe lời ngon ngọt của nhân viên tư vấn công ty PPF nên anh Phương chấp nhận mua trả góp chiếc xe trên. Anh thanh toán trước số tiền 11 triệu đồng. Số còn lại anh trả góp trong 18 tháng, mỗi tháng anh phải trả 2.544.000 đồng. Tính ra mỗi tháng anh phải chịu lãi suất gần 6% và tổng số tiền anh phải trả cho chiếc xe trên là gần 57 triệu đồng.
Giật mình với con số trên, anh yêu cầu hủy hợp đồng nhưng công ty PPF yêu cầu anh đóng cả tiền gốc lẫn tiền phạt là 37.942.000. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày số tiền lãi và tiền phạt mà anh Phương chịu phạt là 9.658.000 (tương đương 34% số tiền anh nợ). “Khi họ tư vấn thì nghe rất ngọt ngào, họ cũng chỉ đưa ra một tờ đơn rồi yêu cầu tôi ký vào nhưng khi đưa hợp đồng ra thì hàng chục điều khoản ràng buộc. Làm như thế khác nào lừa khách hàng”. Anh Phương bức xúc.
Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi vay tiêu dùng chứ không nên chỉ nhìn vào những lời mời chào ngọt ngào kiểu này
Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi vay tiêu dùng chứ không nên chỉ nhìn
vào những lời mời chào ngọt ngào kiểu này
Sau khi gửi đơn khiếu nại lên Công an Kinh tế TP Mỹ Tho, anh Phương đã nhận được thư phúc đáp của PPF tuy nhiên nội dung không có gì thay đổi khi công ty này vẫn yêu cầu anh Phương thanh toán số tiền như trong hợp đồng. Hiện tại, anh Phương vẫn đang chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng.
|
Cũng như anh Phương, những khách hàng khác tìm đến hình thức cho vay tiêu dùng bởi đang kẹt tiền và không tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng. |
Có kẽ hở của pháp luật
Sau khi Epress đăng tải bài viết “Cảnh giác bẫy cho vay tiêu dùng”, đã có nhiều ý kiến phản hồi đến tòa soạn liên quan đến mức lãi suất mà các công ty cho vay tiêu dùng áp dụng. Bạn đọc tên Thaithanhtung đã có phản hồi cụ thể như sau:
“Cần gì phải bàn cãi nhiễu vì mức lãi suất của PPF là vi phạm pháp luật rồi, mà hợp đổng có nội dung vi phạm pháp luật thì dù đã ký cũng là vô hiệu. Mặt khác cần viết đơn đề nghị cơ quan Công an vào cuộc để khởi tố họ về tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự nữa Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:"Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng".
Hậu quả pháp lý: Khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là Quyết định 2868) quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể tính được mức lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá trên 1 năm sẽ là 13,5% (9x150%), trên 1 tháng là 1,125% (13,5%/12).
Như vậy, với việc cho vay với mức lãi suất 60%/tháng là hành vi vi phạm pháp luật, mà trước hết là vi phạm pháp luật dân sự về việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự nói trên. Bên cạnh đó, Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Như vậy theo tính toán nêu trên thì mức lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá trên 1 năm sẽ là 13,5% (9x150%), trên 1 tháng 1,125% (13,5%/12) và thực tế là bạn đã cho vay với mức lãi suất 60%/tháng cao hơn gấp gần 54 lần so với quy định của pháp luật (đã thỏa mãn điều kiện này).
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Như vậy, hành vi cho vay nặng lãi nói trên mà thỏa mãn điều kiện thứ hai thì hành vi cho vay bạn hỏi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 và bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch hội luật gia TPHCM, với mức lãi suất cho vay như trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Dù công ty tài chính có 100 % vốn nước ngoài nhưng khi đã hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ theo luật pháp trong nước.
Theo luật sư, Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng".
Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức tín dụng đã không còn hoạt động theo quy định này mà họ vẫn áp quy định trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 rằng họ có thể tự thỏa thuận lãi suất. Cụ thể, với lý do tổ chức tín dụng là loại hình đặc thù nên ngoài bộ luật dân sự nó còn tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Luật này. Theo đó, Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 14/04/2012 cho phép tổ chức tín dụng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng trong một số lĩnh vực cụ thể trong đó có cho vay tiêu dùng.
Như vậy, ngay trong các văn bản luật đã có kẻ hở giúp các công ty cho vay tiêu dùng lách luật để cho người tiêu dùng trong nước vay với lãi suất cao ngất.
Ông Ngô Hoàng Long, quản lý cửa hàng xe máy Thuận Phát, nơi anh Phương mua xe đã phân tích: “Một phần do lỗi của công ty tài chính khi tư vấn không kỹ và còn mập mờ ở nhiều điểm. Nhưng một phần cũng do lỗi của người tiêu dùng quá nôn nóng muốn sở hữu vật mình muốn mà không tìm hiểu kỹ. Ít có khách hàng nào khi mua xe ở đây lại chịu khó đọc bản hợp đồng dài dằng dặc, mà có đọc xong bản hợp đồng đó chắc cũng đến chiều”.
Có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Do vậy, trước những lời chào mời vay lãi suất thấp, khách hàng cần tỉnh táo và tìm hiểu kỹ bởi khi đã lỡ ký hợp đồng rồi thì muốn dứt ra cũng khó.
Theo Một thế giới