Trái ngược với xu hướng thế giới, cho vay tín chấp ở Việt Nam giống như cho anh trọc đầu vay, không có tóc để nắm, nên ngân hàng rất ngại ra vốn cho phân khúc này.

 


Không chỉ TPBank, nhiều ngân hàng khác cũng có tăng trưởng tín dụng tốt, như Vietcombank tín dụng tăng trên 10% trong 9 tháng đầu năm; VietinBank có thể đạt mức tăng trưởng 10% tính đến cuối tháng 10/2014.

Theo các ngân hàng thương mại, tín dụng tăng mạnh, nhưng dòng vốn vẫn được chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê của NHNN, tăng trưởng cao nhất vẫn là lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng. Trong khi đó, cho vay khối DN vẫn rất khó khăn.

Muốn vay tín chấp, phải trả phí cao

Cuối tháng 7/2014, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường xếp hạng tín nhiệm, khai thác thông tin xếp hạng tín nhiệm DN để cho vay tín chấp. Tiếp đó, tháng 9/2014, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg, yêu cầu ngành ngân hàng xem xét tăng cường khả năng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, đến nay, việc cho vay tín chấp dường như đang bị lãng quên.

Cụ thể, ngoài 3 đợt cho vay thí điểm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi với tổng vốn hơn 4.700 tỷ đồng mà NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra kết nối, các ngân hàng chưa có động thái nào về việc mở rộng cho vay tín chấp. Khi được hỏi, hầu hết DN cũng cho biết chưa thể tiếp cận vốn tín chấp.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, hiện nay, ở Việt Nam, các ngân hàng xem cho vay tín chấp giống như cho anh trọc đầu vay, không có tóc để nắm, nên ngại cho vay. Song thực tế, các nhà băng trên thế giới “khoái” cho vay tín chấp hơn là cho vay thế chấp.

“Các ngân hàng Việt Nam chưa quen với cho vay tín chấp, nên không dám mạnh tay thực hiện. Song thực ra, để ngân hàng ‘xuống tiền’ cho vay tín chấp, thì đó phải là những DN tốt, với vốn tự có dồi dào, quản trị tài chính tốt, kiểm toán tốt, thị phần tốt, lịch sử hoạt động kinh doanh tốt… Trong khi đó, DN đã buộc phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, tức là những DN vốn đã không chứng minh được các ưu điểm, cũng như cơ hội phát triển”, TS. Hiếu nói.

Tại anh, tại ả?

Thực tế, việc cho vay tín chấp không phát triển không hẳn chỉ do lỗi từ ngân hàng. Thói quen không minh bạch số liệu, thiếu kiểm toán, thiếu chung thủy trong giao dịch ngân hàng của các DN đã khiến họ tự cắt đi cơ hội vay tín chấp.

Ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank khẳng định, ngân hàng sẵn sàng mở cửa cho vay tín chấp, song DN cũng cần minh bạch trong kinh doanh, nhất là báo cáo tài chính phải qua kiểm toán.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên, giám đốc một DN phản ánh, không phải cứ minh bạch là được vay tín chấp. “DN chúng tôi được xếp hạng tín nhiệm tốt, không bị vướng vào nợ xấu, được nhiều ngân hàng mời chào vay vốn. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề vay tín chấp, các ngân hàng đều yêu cầu phải sử dụng dịch vụ trọn gói của ngân hàng, trong đó có nhiều dịch vụ (kèm theo phí cao ngất ngưởng) mà chúng tôi thấy không cần thiết, khiến lãi suất cho vay bị đội lên”, vị giám đốc trên nói.

Việc DN, ngân hàng đều “giữ miếng”, chưa tin nhau khiến chủ trương cho vay tín chấp đang có nguy cơ nằm trên giấy. Trong khi đó, trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, cho vay tín chấp mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm.


Theo Đầu tư

.