(BVPL) - Theo nội dung Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, các mục tiêu được đặt ra là: Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
 


Tỉ lệ chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi NSNN, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.

Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu – chi NSNN. Quy mô nợ công hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực. Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi NSNN, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.

 Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương; thu hút tối đa nguồn lực của xã hội. Thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực NSNN gắn với các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế...

Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý thu, chi NSNN

Bộ Chính trị giao các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Xác định cụ thể nội dung cơ cấu lại NSNN trong phạm vi được giao theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, tổ chức sắp xếp lại bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, tập trung; đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công lập, thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho phát triển.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết cần được chú trọng. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nghị quyết giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý thu, chi NSNN, nợ công, tài sản công; khu vực hành chính, sự nghiệp công lập; về quản lý giá, tài chính, đầu tư, kế toán, kiểm toán...; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công.

Bộ Tài chính chủ trì triển khai các nội dung liên quan đến cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của các doanh nghiệp, bảo đảm nhất quán với việc quản lý nợ công, nợ quốc gia; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bộ Nội vụ chủ trì, rà soát, đôn đốc, kiến nghị các giải pháp tiếp tục tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, xác định rõ trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công, trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo phạm vi trách nhiệm được giao.
 

Minh Triết

.