Đặc biệt, thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Công tác kiểm tra, thanh tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá được chú trọng. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn…
|
|
Đại biểu Trần Quang Chiểu: việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã có những kết quả bước đầu quan trọng |
Đánh giá về những nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, sau 3 năm, có thể nói việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã có những kết quả bước đầu quan trọng. Kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành NSNN được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước được chú trọng và tăng cường hơn…
Về thu ngân sách, tổng thu các năm đều vượt dự toán, cùng với sự tăng cường thanh tra kiểm tra, chống thất thu qua chuyển giá, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Tổng thu giai đoạn 3 năm đạt 54 - 55% kế hoạch 5 năm, trong khi giá trị GDP cùng thời kỳ chỉ là 52 - 53% kế hoạch. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,9%, cao hơn kế hoạch theo Nghị quyết 25 là 23,5%.
Bên cạnh đó, công tác chi cũng có nhiều chuyển biến. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, cao hơn mục tiêu kế hoạch là 25 - 26%. Chi thường xuyên giảm còn 63%, vượt so với mục tiêu là 64%. Kỷ luật chi tiêu được tăng cường hơn giai đoạn trước, các nhiệm vụ chi được đảm bảo kịp thời. Hàng năm vẫn đảm bảo mức tăng lương 7% trong khi vẫn giảm chi thường xuyên, đó là một nỗ lực rất lớn. Hơn nữa, chúng ta đã tăng dần được tích luỹ đầu tư, không còn phải vay để đầu tư nhiều như trước. Năm 2016, khoản tích luỹ cho đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, năm 2017 là khoảng 69.000 tỷ đồng, năm 2018 là khoảng 63.500 tỷ đồng, năm 2019 dự toán là hơn 67.000 tỷ đồng.
Đại biểu cũng đánh giá cao việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong 3 năm, riêng lĩnh vực thuế và hải quan đã cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính. Theo Chính phủ, từ năm 2016 đến cuối tháng 8/2018 đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 thủ tục và đơn giản hóa 894 thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đổi mới quy trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh thành phố, 100% các chi cục thuế, với khoảng 99% doanh nghiệp tham gia. Thời gian nộp thuế được rút ngắn từ 537 giờ xuống còn 117 giờ…
|
|
Lĩnh vực thuế và hải quan đã cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN ( ảnh minh họa: T.D) |
Còn theo báo cáo do của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội, cùng với những chuyển biến tích cực, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn. Do vậy, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu; rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư; rà soát, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.
Đáng nói, về thu nội địa, theo Ủy ban, việc Chính phủ xây dựng dự toán thu nội địa là khá tích cực, tuy nhiên, Chính phủ cần thận trọng rà soát lại dự toán thu phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của các địa phương, lưu ý đến các địa phương nhiều năm thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.
Về dự toán chi NSNN, cần tiếp tục quán triệt trong quản lý, điều hành phải thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN hiện hành; ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành…
Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi thường xuyên, bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho đoàn ra; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội…
Về các giải pháp thực hiện, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo phấn đấu đạt và vượt mức báo cáo, trong đó tập trung công tác quản lý thu, chống thất thu chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, quản lý chi chặt chẽ tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa các địa phương hụt thu. Trường hợp các địa phương dự kiến hụt thu phải chủ động giảm, dãn các nhiệm vụ chi đồng thời huy động các nguồn lực của địa phương để đảm bảo.
Đại biểu Trần Quang Chiểu thì cho rằng, để thu NSNN đạt kế hoạch, cần có sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự điều hành của Chính phủ, để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu. Chỉ khi kinh tế phát triển, sản xuất kinh doanh khởi sắc thì nguồn thu mới có thể bền vững. Đồng thời, các nhiệm vụ chi cũng phải được rà soát chặt chẽ để đảm bảo giữ trần nợ công, bội chi trong kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội dự toán như sau: Thu NSNN 1.411,3 nghìn tỷ đồng. Thu nội địa 1.173,5 nghìn tỷ đồng; đạt 83,2% tổng thu. Thu dầu thô 44,6 nghìn tỷ đồng, giảm dần qua các năm. Thu cân đối xuất nhập khẩu 189,2 nghìn tỷ đồng. Thu viện trợ 4 nghìn tỷ đồng. Chi NSNN dự toán cho năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng. Dự toán bội chi NSNN 2019 là 3,6%GDP. Đến cuối năm 2019, dự kiến nợ công 61,3% GDP... |
Minh Nhật