Quý 2/2016, nhiều “ông lớn” trong ngành ngân hàng đã thông báo kết quả kinh doanh với kết quả khả quan. Nhưng các chuyên gia ngân hàng cho rằng kết quả này sẽ không bao phủ cả hệ thống mà sẽ có sự phân hóa mạnh trong ngành này.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trích lập đủ dự phòng rủi ro, các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định.
Lý giải về mức tăng trưởng lợi nhuận tới 20%, BIDV cho biết là nhờ tín dụng cải thiện. Cụ thể, quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng. Dự kiến đến hết quý 2/2016, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8-9% so với đầu năm 2016. Theo kế hoạch năm nay, BIDV xác định dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%, phấn đấu đạt 20% trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận được BIDV đặt ở mức 7.900 tỷ đồng, tăng khá “khiêm tốn” so với năm 2015 với 7.039 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2016 khá chi tiết. Dư nợ tín dụng đạt 437.580 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với BIDV, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt tới 4.193 tỷ đồng. Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, kết thúc quý 2/2016, lợi nhuận của VietinBank ước đạt 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng nhanh chóng công bố kết quả kinh doanh cơ bản sau nửa đầu năm với lợi nhuận 205 tỷ đồng.
Yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan của các ngân hàng là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống nửa đầu năm nay là 7,2%, cả BIDV, Vietcombank và TPBank đều có tốc độ cao hơn hẳn. BIDV dự kiến có thể đạt 9%, Vietcombank đạt 10,76% còn TPBank tăng tới 18%.
Phân hóa mạnh
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2016, tín dụng nền kinh tế đã tăng hơn 6,8% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng bằng VNĐ tăng hơn 8,1% so với cuối năm 2015 và tăng tới gần 23% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 91% tổng tín dụng nền kinh tế. Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ giảm hơn 4,6% so với cuối năm 2015.
Nhìn chung những tháng đầu, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ vài năm gần đây. Điều này cộng với đặc thù tăng trưởng tín dụng của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các quý cuối năm nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 17-18% là khả thi, thậm chí phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra dự báo mức tăng trưởng còn cao hơn. Theo các chuyên gia ngành ngân hàng thì khả năng tăng trưởng tín dụng 2 quý cuối năm sẽ tăng trưởng hơn so với nửa đầu năm. Vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong những tháng cuối năm khi thời điểm kinh doanh vào mùa.
Bản thân các nhà băng đang rất kỳ vọng với kết quả kinh doanh trong năm 2016. Cụ thể, theo báo cáo của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016, theo số liệu thu thập được từ survey các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, 100% số ngân hàng phản hồi tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của ngân hàng mình trong năm 2016, với 41,7% số ngân hàng đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3% đánh giá tương đối khả quan. Cụ thể, 91,7% số ngân hàng phản hồi nhận định, ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10%, và chỉ 8,3% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì lợi nhuận ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh. Nhiều ngân hàng đang đối mặt với áp lực phải trích lập dự phòng rủi ro tăng cao thì sẽ khó có đột biến. Chiều ngược lại, những ngân hàng đã tích cực tái cấu trúc, chất lượng tài sản được quản trị chặt chẽ và khả năng sinh lời trên đà cải thiện sẽ có triển vọng lợi nhuận rất khả quan. Hiệp ước vốn Basel II được áp dụng thí điểm trên 10 ngân hàng sẽ giúp hệ thống an toàn hơn nhưng cần thêm thời gian.
Cổ đông mong chờ cổ tức
Nhiều ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh quý 2 tốt nhưng nợ xấu vẫn sẽ làm họ “đau đầu”. Bởi nợ xấu tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng cao sẽ “ăn” vào lợi nhuận, dẫn đến kết quả kinh doanh còn lại sau dự phòng sẽ sụt giảm. Cũng theo đánh giá, ít nhất đến hết năm 2018, mặt bằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ khó có đột biến, bởi trong khoảng 3 năm tới, ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu.
Theo quy định và thực tế đã có, lượng lớn nợ xấu đã bán lại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Năm nay có một điểm đáng chú ý khi Thông tư 08 được ban hành, các ngân hàng được xem xét giãn thời gian trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC từ 5 năm lên 10 năm. Chi phí liên quan theo đó bớt đè nặng lên lợi nhuận, mà được tính sau, theo thời gian dài hơn.
Đây cũng là lý do chính mà NHNN ngày càng xem xét chặt chẽ hơn con số lợi nhuận của các ngân hàng, thể hiện qua chính sách xét và giao chỉ tiêu cổ tức hàng năm. Theo đó, ngân hàng không được chia hết lợi nhuận qua cổ tức, vì một phần còn “nợ” trích lập dự phòng qua cơ chế được giãn ra nói trên. Thậm chí có những nhà băng vẫn đều đặn báo lãi, nhưng có thể trong vài ba năm, thậm chí tới 5 năm vẫn khó chia được cổ tức. Vậy nên, các con số lợi nhuận công bố vẫn chỉ là tương đối. Sát thực hơn cả với cổ đông vẫn là tỷ lệ cổ tức mà họ thực nhận được sau đó.
Theo NTD