Bớt gánh nặng phí ATM
Cập nhật lúc 02:36, Thứ năm, 16/06/2016 (GMT+7)
Việc tăng hạn mức rút tiền trên máy ATM từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lần cho các giao dịch nội mạng sẽ mang đến tiện lợi cho khách hàng (giao dịch, Ngân hàng Nhà nước, phí, phí ATM)
Việc tăng hạn mức rút tiền trên máy ATM từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng/lần cho các giao dịch nội mạng sẽ mang đến tiện lợi cho khách hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 về quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM), trong đó nổi bật là các chủ thẻ được rút 5 triệu đồng/lần tại máy ATM thay vì 2 triệu đồng như quy định hiện hành.
Áp đặt hay tự quyết?
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng/lần đối với giao dịch nội mạng. Đây được xem là quy định tích cực, giúp khách hàng sử dụng thẻ ATM có thể rút được tiền mặt nhiều hơn mà không phải thao tác nhiều lần, phí rút tiền cũng giảm.
|
Phí ATM cao khiến khách hàng bực mình. Ảnh: Tấn Thạnh |
Trước đây, khách hàng muốn rút 10 triệu đồng thì phải thao tác trên máy ATM 5 lần, nay chỉ còn 2 lần. Hiện phí rút tiền nội mạng được các NH thương mại áp dụng phổ biến là 1.100 đồng/lần.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cho biết quy định hạn mức rút tiền trên máy ATM không thấp hơn 2 triệu đồng/lần nhưng thực tế, rất nhiều NH đã cho phép khách hàng rút tối đa 10 triệu đồng/lần. Việc sửa đổi quy định trong Thông tư 36 nhằm phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, không nên ủng hộ rút tiền mặt quá nhiều, nhất là khi nhà nước đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Giám đốc trung tâm thẻ một NH cổ phần lớn có hội sở tại Hà Nội lại cho rằng NHNN chỉ nên đưa ra các khung về quản lý, còn hạn mức rút tiền mỗi lần nên để các NH thương mại tự quyết định. Hiện NH này đã cho phép khách hàng rút tối đa 10 triệu đồng/lần đối với giao dịch nội mạng. Trong khi đó, nếu dự thảo thông tư này được áp dụng sẽ “đẩy” một số NH thương mại vào tình thế vi phạm quy định về ATM do không đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, một số máy ATM đời cũ chỉ cho phép chủ thẻ rút tối đa 2 triệu đồng/lần. Nay NHNN yêu cầu tăng hạn mức lên 5 triệu đồng/lần, đồng nghĩa với việc NH còn sử dụng máy đời cũ phải tốn thêm chi phí cải tạo hoặc đầu tư mới.
Cần nâng mức rút tiền ngoại mạng
Một vấn đề khác liên quan đến giao dịch qua ATM được nhiều người quan tâm là hạn mức rút tiền ngoại mạng. Theo quy định của từng NH, hiện hạn mức rút tiền ngoại mạng (chủ thẻ của NH này đến rút tiền tại NH khác) chỉ từ 2-3 triệu đồng/lần và phải chịu phí khá cao, phổ biến là 3.300 đồng/lần giao dịch. Chị Nguyễn Phương Nam (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết nhiều khi có việc đột xuất phải vào trụ ATM của NH khác để rút tiền nhưng tối đa mỗi giao dịch chỉ được 2 triệu đồng. “Phải 5 lần thao tác tôi mới rút được 10 triệu đồng, trong khi tổng cộng phí cho 5 lần giao dịch không hề rẻ. Sao không áp dụng hạn mức rút tiền ngoại mạng lên 5 triệu đồng/lần để thuận tiện cho khách hàng?” - chị Nam thắc mắc.
Trưởng phòng thẻ ATM của một NH thương mại lớn tại TP HCM nhìn nhận hạn mức rút tiền ngoại mạng quá thấp mới là vấn đề chủ thẻ quan tâm. Một số NH nói khách hàng rút tiền ngoại mạng rủi ro cao hơn, trong trường hợp có sự cố xử lý cũng phức tạp hơn nhưng vấn đề ở đây là phí giao dịch. Hạn mức rút tiền mỗi lần càng thấp, NH sẽ thu được nhiều phí hơn. Tuy nhiên, nếu cho phép khách hàng rút tiền ngoại mạng quá nhiều, khả năng hệ thống ATM của các NH thương mại lớn sẽ bị quá tải trong các dịp lễ, Tết do chủ thẻ dồn về đây vì có nhiều máy ATM.
Phải công bố các loại phí
Theo dự thảo Thông tư 36, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán lắp đặt bổ sung mới ATM phải bảo đảm tỉ lệ cân đối giữa địa bàn thành thị và nông thôn. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng các ATM “chen chúc” đô thị, trong ở khi ngoại thành, nông thôn, khách hàng phải đi rất xa mới rút được tiền. Tại nơi đặt ATM phải có số điện thoại và địa chỉ của đơn vị quản lý vận hành để khách hàng liên hệ khi gặp sự cố. Phải có hướng dẫn hoặc biểu tượng để nhận biết các loại thẻ được chấp nhận thanh toán, bảng hướng dẫn khách hàng sử dụng, các dịch vụ cung cấp tại ATM và các loại phí liên quan khi khách hàng giao dịch.
Ngoài ra, tại các ATM phải có nguồn điện dự phòng hoặc có chức năng tự động trả thẻ cho khách hàng, đề phòng máy nuốt thẻ khi mất nguồn điện chính. |
Theo Người lao động
.