Mới đây, CTCP Khoáng sản Na Rì Haminco (KSS) bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ký quyết định hủy niêm yết bắt buộc hơn 49,43 triệu cổ phiếu KSS kể từ ngày 12/8/2016. Nguyên nhân là công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính kết thúc năm 2015 của KSS. Thông tin này khiến BIDV “đau đầu” vì KSS là “con nợ” với số tiền gần cả ngàn tỷ đồng.

 

 

BIDV có đòi được nợ?

 

Trước thông tin này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng cho BIDV về việc thu hồi khoản nợ tại KSS. Bởi, nhìn chung tình hình kinh doanh của KSS khó có thể phục hồi khi công ty này lâm vào tình trạng thiếu hụt vốn lưu động và có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

 

KSS hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tuy nhiên ngành khoáng sản trong những năm gần đây được đánh giá là gặp nhiều khó khăn. Và không riêng gì KSS, đầu năm nay CTCP Đầu tư Khoáng sản An Thông đã xin trả lại 2 mỏ sắt Tùng Bá và Cao Linh - Khuôn Làng vì quá khó khăn, thua lỗ.

 

Được biết từ năm 2012 trở lại đây nhiều doanh nghiệp khoáng sản niêm yết rơi vào tình trạng khó khăn như: Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM giá 1.800 đồng/cổ phiếu), Khoáng sản Fecon (FCM giá 4.900 đồng/cổ phiếu), Khoáng sản Hòa Bình (KHB giá 1.800 đồng/cổ phiếu), Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA có giá 2.200 đồng/cổ phiếu), Đầu tư và Phát triển KSH (KSH có giá 2.400 đồng/cổ phiếu), Khoáng sản Mangan (MMC giá 1.600 đồng/cổ phiếu), Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC)… Nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản giảm giá mạnh khiến các công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng hơn.

 

Đối với KSS, Mỏ sắt Pù Ổ năm 2015 khai thác cầm chừng, sản lượng không ổn định, hơn nữa giá cả quặng sắt giảm sút khiến doanh thu, lợi nhuận không được cao như kỳ vọng. Nhà máy chế biến Chì kẽm Ngân Sơn gần như dừng hoạt động trong cả năm 2015.

 

Cổ phiếu KSS, đến thời điểm ngày 20/7/2016, đã giảm 71,4% từ mức 2.800 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 800 đồng/cổ phiếu. Được biết, hiện tại lãnh đạo cũng như nhân viên KSS không còn nắm giữ cổ phiếu KSS nào, 100% cổ phiếu KSS do cổ đông ngoài công ty nắm giữ. Như vậy, xét chung tình hình của KSS thì khoản nợ đối với BIDV dường như khó có thể trả được khi hạn thanh toán chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa.

 

Năm 2016 là một năm xấu của BIDV đối với các khoản cho vay khi lần lượt nhận tin các doanh nghiệp rơi vào làm ăn yếu kém như CTCP Hoàng Anh Gia Lai với khoản cho vay 10.715 tỷ đồng bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

 

Theo NTD

.