Khơi thông dòng chảy bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng là chủ đề một diễn đàn được Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Hiệp hội BĐS Việt Nam, Cộng đồng review bất động sản, tổ chức vào chiều 18/5, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Khoảng 500 doanh nhân đại diện cho các nhà đầu tư và kinh doanh BĐS, cùng đại diện một số cục, vụ liên quan của Bộ Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế,.. tham dự diễn đàn.
Diễn đàn nhằm đưa ra những phân tích, báo cáo, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh tình hình thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng; tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường; dự báo diễn biến, xu hướng của thị trường; nhận diện thực trạng và những thách thức, cơ hội để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024 và thời gian tới.
|
|
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn. |
Trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, các dự án đình đốn, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút.
Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã chủ động các biện pháp nhằm khơi thông các điểm nghẽn của thị trường BĐS.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật quan trọng (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024), trong đó có những điểm mới giúp khắc phục, tháo gỡ những bất cập trong hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS nói chung.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đánh giá, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là bước tiến lớn về chính sách và là một trong những khung pháp lý quan trọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
|
|
Sau thời gian "đóng băng", thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có tín hiệu "ấm" trở lại. Ảnh: NH. |
Hai luật này được thông qua đã luật hóa nhiều điểm nghẽn, các dự án triển khai liên quan đến kết luận thanh tra, thông tin không tốt liên quan tới trái phiếu, vấn đề thực thi hoạt động môi giới BĐS.
Cùng với việc hoàn thiện một bước về cơ sở pháp lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó chỉ đạo Ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường BĐS.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi và ban hành Nghị định 08/2023, có những điểm mới mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, trong đó có mở ra cơ hội cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuận lợi hơn, có đa dạng thêm những nguồn vốn phục vụ phát triển các dự án BĐS.
Các đoàn công tác của Chính phủ đã giúp tháo gỡ những khó khăn, ách tắc của nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng ở các địa phương.
|
|
Các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư đang tích cực cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm để hấp dẫn khách hàng. NH |
Trong khi các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư cũng đang tích cực cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm. Những dự án được phê duyệt được triển khai bài bản, công khai minh bạch, cơ sở pháp lý rõ ràng,.. từng bước khôi phục niềm tin cho khách hàng.
Nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ trên, thị trường đã có dấu hiệu chuyển biến khởi sắc. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS nói chung đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo, thị trường sẽ ấm dần lên khi niềm tin của khách hàng đang được vực dậy.
Tại tỉnh Khánh Hòa, một thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng lớn và tiềm năng, với việc được Thủ tướng phê duyệt nhiều quy hoạch quan trọng, là cơ sở để kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án kết cấu hạ tầng,..
Thị trường BĐS tại Khánh Hòa thời gian gần đây thực tế đã có tín hiệu khởi sắc và có tăng trưởng nhất định. Trong năm 2023, phát sinh 19.951 lượng giao dịch với tổng giá trị giao dịch là gần 12,4 ngàn tỉ đồng; có 11 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư (2 dự án được cấp giấy phép xây dựng).
|
|
Khánh Hòa đang có những dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng bị đình đốn. Ảnh: NH. |
Trong quý I/2024, phát sinh 5.941 lượng giao dịch, với tổng giá trị giao dịch là 7,63 ngàn tỉ đồng.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã thảo luận các nội dung: Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng- thực trạng, thách thức và tiềm năng phát triển; giải pháp thúc đẩy tiến trình phục hồi phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần xem xét cấp “sổ hồng” cho các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đáp ứng đủ điều kiện (theo Nghị định 10/2023), thực hiện tốt Nghị định 12/2024 và nghị định về định giá đất, Nghị định 42/2024 về lấn biển (hiệu lực 1/4/2024); thực hiện tốt chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế phí và cơ cấu lại nợ, tín dụng bất động sản phù hợp…
|
|
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần xem xét cấp “sổ hồng” cho các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đáp ứng đủ điều kiện. |
PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã “ấm” lên, trong đó có tác động tích cực từ việc du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo ông, về phía doanh nghiệp và chính quyền cần phải ráo riết thúc đẩy hơn nữa với tinh thần “Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường”.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh, ngành BĐS sản nghỉ dưỡng cần thích ứng nhanh chóng với thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch sau đại dịch. Để gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ quốc tế và giữ chân khách nội địa giàu tiềm năng, Khánh Hòa phải phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách khác nhau, từ trải nghiệm du lịch tới đầu tư sinh lời.