Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải cân đối giảm tối thiểu là 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
|
|
4 ngân hàng có vốn nhà nước đó là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank |
Ông Tú cho biết, Vietcombank có lợi nhuận hàng năm rất lớn, năm 2019 lãi 22.000 tỉ đồng thì năm nay phải giảm 30-40% lợi nhuận này, đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng để giảm lãi suất.
Đến thời điểm này, đa phần các ngân hàng đều hoãn kế hoạch họp ĐHCĐ thường niên 2020 và báo cáo thường niên của nhiều ngân hàng không đề ra kế hoạch lợi nhuận năm cụ thể, có ngân hàng còn không đề cập đến các chỉ tiêu kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa biết đến khi nào kết thúc.
Trước đó, Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khó khăn thời COVID-19.
Như Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỉ đồng lên 300.000 tỉ đồng.
Ngay lập tức, các ngân hàng đã đồng loạt tung ra các gói tín dụng quy mô từ 10.000 tỉ đồng đến 100.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-2%, cá biệt có nhà băng giảm tới 4%/năm với lãi suất vay. Cùng với đó, ngân hàng đã hỗ trợ giảm phí dịch vụ, cơ cấu nợ cho các khoản nợ của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng cũng đã thực hiện "thắt lưng buộc bụng" khi cắt giảm mạnh tay chi phí hoạt động không thiết yếu, giảm lương, thưởng nhân viên...
|
|
Tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân là hơn 300.000 tỉ đồng |
Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân là hơn 300.000 tỉ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỉ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỉ đồng và cho vay mới 65.208 tỉ đồng với 354.286 khách hàng.
Đơn cử, Agribank dành gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh dành cho các khoản vay giải ngân từ 1/4 đến thời điểm sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng. Lãi suất cho vay thấp hơn 1% (đối với VND) và thấp hơn 0,5% (đối với ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Vietcombank dành gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5 - 5%/năm. Ngân hàng cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Ngân hàng này ước tính năm nay sẽ giảm 300 tỉ đồng lợi nhuận vì chính sách này.
VietinBank dành 60.000 tỉ đồng để cho khách hàng vay với lãi suất cho vay giảm 2%/năm. Trước đó, ngân hàng này giảm từ 0,5% đến 1,5% lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng trong mùa COVID-19. Ngân hàng đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỉ đồng, chiếm 2% dư nợ.
Từ cuối tháng 3, BIDV tung gói tín dụng quy mô 30.000 tỉ đồng áp dụng từ 31/3 đến 31/7 hoặc khi hết gói nhằm hỗ trợ khách cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19. Trước đó, gói 7.000 tỉ đồng triển khai từ ngày 19/3 và kết thúc trước hạn vào ngày 31/3. Ngân hàng đã giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm cho khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay. Nếu dịch sớm kết thúc, BIDV lên kế hoạch lãi trước thuế năm nay là 12.500 tỉ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng từ 900 nghìn tỉ đồng cho đến 1,1 triệu tỉ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng từ 11% đến 14%.