Thị trường xăng dầu tới đây sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, hạn chế chuyện tăng giá đột biến, có nhiều mức giá bán khác nhau và người tiêu dùng có quyền lựa chọn giá bán hợp lý nhất.

 


Mặc dù vậy, ông Ruệ cũng băn khoăn rằng thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam vẫn khá thấp. Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam được giữ thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 40%, còn với AFTA là 35%. Song, thời gian qua, chúng ta vẫn chỉ áp ở mức 0%-12%, nên dư địa còn nhiều, sắp tới sẽ nâng lên bình quân 20% là phù hợp nhằm đảm bảo nguồn thu và tương đương với các nước như Lào, Campuchia... Nếu vậy, chắc chắn giá xăng dầu sẽ không thể ở mức thấp.

Cũng theo ông Ruệ, theo cam kết từ 2018-2020 thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ mở cửa. Hiện có rất nhiều DN nước ngoài quan tâm tới thị trường xăng dầu Việt Nam, số lượng DN này còn đông hơn cả những DN bán lẻ nước ngoài quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Họ tìm hiểu cụ thể từ chính sách cho đến việc kinh doanh xăng dầu và chờ đợi khi nào mở cửa sẽ đổ bộ vào Việt Nam.

Với các DN nước ngoài, họ có thể gặp khó khăn trong việc thuê đất, xây dựng cửa hàng... , nhưng với DN trong nước thì chuyện này dễ giải quyết hơn. DN Việt Nam đầu tư cửa hàng, có thể bán lại cho phía nước ngoài, và khi đó, "cuộc chơi" sẽ gây cấn hơn, cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt. Các DN Việt Nam sẽ khó có thể "sống sót" trước khả năng cũng như kinh nghiệm quản trị tốt, vốn lớn của các đối thủ "ngoại. Tuy nhiên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Thị trường xăng dầu mở cửa, chất lượng xăng dầu mới là yếu tố quyết định, chứ không phải giá cả. Nếu chỉ chạy theo giảm giá mà không kiểm soát, để chất lượng xăng dầu đi xuống thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay - theo ông Ruệ. Hiện các cửa hàng, đại lý chỉ mua từ một đầu mối nên chất lượng xăng dầu thế nào, đầu mối phải chịu trách nhiệm. Thời gian tới, khi thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối về trộn với nhau để có giá bán tốt nhất, chất lượng có thể bị buông lỏng. Khi đó, DN sẽ khó tồn tại.

 

Theo Vef

.