(BVPL) - Theo thống kê của Chi cục quản lý thị trường TP. Hà Nội, từ cuối tháng 12/2014 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra và xử lý 2.084 vụ hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền thu phạt là hơn 71,4 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay đang ngày càng diễn ra phức tạp và tinh vi làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật - giả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Đây là điều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập mậu dịch tự do ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 


Thực trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như: áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hoá làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật - giả. Các hành vi vi phạm này ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Nhóm tội phạm thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ có đặc điểm rất phức tạp vì chủ thể của tội phạm hầu hết là những người có điều kiện kinh tế, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, am hiểu những lĩnh vực mình đang quản lý, một số người còn có chức vụ, quyền hạn nhất định. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ đã tạo nhiều thiết bị, công cụ, phương tiện phạm tội ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ đã gây ra hoặc đe dọa đến thiệt hại nền kinh tế của cả nước cũng như từng lĩnh vực, từng ngành, ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và tính mạng con người, tác động đến với cả cộng đồng, triệt tiêu sức sáng tạo và khiến giới đầu tư e ngại.

Tuy nhiên, việc xử lý tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ngày một gia tăng nhưng khó bị phát hiện và khi bị phát hiện thì thường chỉ bị xử lý bằng các biện pháp dân sự hoặc hành chính. Điều này cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội xâm phạm sở hữu trí tuệ hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế của mình.

Cần luật hóa rõ ràng để dễ xử phạt

Ông Lê Ngọc Lâm – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết: Thời gian tới, khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là Hiệp định TPP thì các thách thức đặt ra sẽ không hề nhỏ. Bên cạnh sức ép về mở cửa thị trường đối với hàng hoá các nước, cạnh tranh của các DN sẽ gay gắt hơn thì những lĩnh vực liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương hiệu cũng đặt ra. Trong đó, TPP sẽ có nhiều điều khoản cam kết chặt chẽ và bảo hộ rộng hơn WTO, nhất là các lĩnh vực dễ bị tổn thương như: nông sản, dược phẩm, hoá mỹ phẩm. Dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ nhưng “hàng rào” phi thuế quan được đặt ra, cụ thể là việc luật pháp các nước xử phạt rất nghiêm vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, thậm chí xử phạt hình sự chứ không chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải nắm rất vững quy định khi vào sân chơi TPP”- ông Lâm nói.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - Nguyễn Công San thẳng thắn: Khó khăn của các lực lượng chức năng hiện nay là không nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái do lo ngại người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Mặt khác, về phía người tiêu dùng còn một bộ phận không nhỏ do điều kiện kinh tế, nhận thức hạn chế đã “tiếp tay” tiêu thụ hàng giả, biết là hàng nhái, nhưng do giá rẻ, phù hợp túi tiền nên vẫn sử dụng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, câu kết với các DN nước ngoài sản xuất hàng giả tung ra thị trường. Vì vậy, hãy là người tiêu dùng thông minh để hàng giả, hàng lậu hết đất sống – ông San chia sẻ.

Ông Triệu Quang Thìn, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội: “Đầu tiên là vấn đề nhận thức, thứ hai là quy trình thủ tục để đăng ký của chúng ta hiện nay còn tương đối phức tạp. Việc tuyên truyền phổ biến của các doanh nghiệp làm đăng ký giúp cho các doanh nghiệp thì còn hạn chế. Các nước hiện nay chỉ có trên 100 doanh nghiệp làm đầu mối sở hữu trí tuệ cho nên các doanh nghiệp của Việt Nam tìm đến các doanh nghiệp để làm đầu mối sở hữu trí tuệ đi đăng ký cho mình còn hạn chế”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay vẫn còn khá phổ biến và ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết: “Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để làm thế nào thực hiện tốt Luật Sở hữu trí tuệ và không để cho các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng để vi phạm pháp luật; Triển khai thực hiện về chống hàng giả và vi phạm bản quyền như thế nào, điều này liên quan đến nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường”.

Hiện nay, việc xử lý tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này chưa đạt hiệu quả, hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp. Do đó, cả doanh nghiệp và Nhà nước cần chung tay để đưa ra các giải pháp chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách thiết thực.
 

Trần Thu

.