Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vừa công bố, Ngân hàng Thế giới, triển vọng của Việt Nam được đánh giá tích cực.

 


Đề cập đến tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, ông Sudhir Shetty – kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho rằng việc tăng cường đưa máy móc vào sản xuất có thể dẫn đến dư thừa lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, các nhà hoạch định cần lưu ý và điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Ông cũng cho rằng thách thức lớn của Việt Nam hiện tại là đảm bảo tính bền vững của tài khóa trong trung hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang có lợi thế trong việc thu hút và duy trì FDI, đặc biệt khi lương nhân công tại Trung Quốc và nhiều nơi khác đang tăng.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng dù GDP quý I của Việt Nam chỉ tăng 5,1%, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của Việt Nam vẫn rất tốt. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện trong 3 năm qua, nhờ các chính sách của Chính phủ. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn cần tăng năng lực cạnh tranh để chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.

Tính chung khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB ước tính các nước sẽ tăng trưởng 6,2% năm nay và 6,1% năm 2018. Các yếu tố tác động tích cực là cầu nội địa mạnh, kinh tế toàn cầu dần hồi phục và giá hàng hóa tăng.

Tuy nhiên, khu vực vẫn phải đối mặt với các thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Đó là lãi suất tại Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến, tâm lý bảo hộ và chống toàn cầu hóa tại nhiều nước phát triển và tín dụng tăng nhanh tại nhiều nước Đông Á.
 

Theo Hà Thu/vnexpress

.