Đặc biệt, trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh COVD-19, Việt Nam đang nổi lên không chỉ là nước có những biện pháp kiểm soát dịch tốt mà nền kinh tế Việt Nam vẫn có những phát triển ổn định. Và theo như nhận định của Ngân hàng châu Á (ADB), các hoạt động kinh tế tuy có bị suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong Quý I/2020.

leftcenterrightdel
Sau 45 năm hòa bình lập lại, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện về mọi mặt. 

Những bước chuyển mình ấn tượng

Những bước chuyển mình lớn của Việt Nam được thể hiện ở việc tăng trưởng GDP, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, những năm đầu khi đất nước giải phóng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp và thực chất không phát triển. Nền kinh tế không có tích luỹ, thu nhập quốc dân sản xuất chỉ bằng 80 - 90% nhu cầu sử dụng. Đây cũng là thời kỳ siêu lạm phát, trong suốt giai đoạn 1976-1985, chỉ số giá bán lẻ hàng hóa năm sau so năm trước luôn tăng ở mức hai con số và dao động ở mức 19-92%. Đặc biệt, năm 1986, lạm phát đạt đỉnh điểm với tốc độ tăng giá 774,7%... 

Đứng trước bối cảnh đó, Đảng ta đã quyết định thực hiện cải cách và mở cửa từ năm 1986, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với bước ngoặt lịch sử này, kinh tế Việt Nam dần hồi phục và có những bước phát triển nhất định….Đất nước từ chỗ thiếu ăn triền miên thì đến năm 1990 đã vươn lên đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

leftcenterrightdel
Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, song Việt Nam vẫn được dự báo là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. 

Nền kinh tế đã có bước chuyển dịch rõ rệt, ngành dịch vụ vươn lên trở thành ngành có tỉ trọng GDP cao nhất, với hơn 40% và công nghiệp là 32.7%. Đây là động lực để thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Một trong những lĩnh vực trở thành điểm sáng mũi nhọn của Việt Nam đó chính là xuất khẩu. Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, đạt được những kết quả ấn tượng. Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Lần đầu tiên Việt Nam đạt và vượt ngưỡng 500 tỉ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử - linh kiện điện tử, đệt may, da giày, gạo, hàng thủy sản, đồ gỗ, dầu thô và cà phê,…

Việt Nam cũng đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 70 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Đức, Malaysia, Anh…

Hiện Việt Nam cũng đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với nhiều đối tác kinh tế quan trọng.

Đặc biệt, năm 2020 là năm ghi dấu ấn quan trọng với Việt Nam như việc Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, vai trò là Chủ tịch ASEAN và đặc biệt là năm Việt Nam vinh dự đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc và làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an trong tháng đầu tiên… 

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, Hiệp định EVFTA vừa giúp chúng ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh…

Vững vàng trước khó khăn, thử thách

Năm 2020 mở ra nhiều dấu ấn quan trọng, song ngay từ đầu năm, thế giới đã phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu là rất nghiêm trọng và trong một thế giới phẳng như hiện nay, kinh tế- xã hội của Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đó.

Theo báo cáo của Ngân hàng châu Á, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 và 2021. Thặng dư cán cân vãng lai tuy tăng trong năm 2019 nhưng sẽ giảm mạnh trong năm nay. Tăng trưởng đã giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020 so với mức 6,8% của cùng kỳ năm 2019. 

Ngoài ra, sự bùng phát dịch COVID-19 cũng gây tổn hại cho nông nghiệp khi hầu hết các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam đóng cửa vào tháng 1, làm “đóng băng” hoạt động xuất khẩu nông sản. Do dịch bệnh kéo dài, các nước tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch nên nhu cầu đối với hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp giảm mạnh xuống 0,08% trong quý đầu tiên của năm từ mức 2,7% trong cùng kỳ năm trước. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống còn 1% vào năm 2020.

Tính đến thời điểm hiện nay, dịch vụ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch bùng phát. Với tỉ trọng 42% GDP, khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. Tác động lớn nhất thông qua sự suy giảm của hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan, vốn chiếm đến 40% doanh thu của khu vực dịch vụ. 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, mặc dù nền kinh tế sẽ giảm tốc và chịu các tác động của đại dịch COVID-19, song Việt Nam vẫn được dự báo là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Và nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

leftcenterrightdel
Các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong mùa dịch COVID-19. 

Dẫn chứng được đưa ra đó là môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong giai đoạn tháng 1-2/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch COVID-19. Cùng với đó, số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam, đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau COVID-19. Việc Trung Quốc khống chế được COVID-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực trong phòng, chống dịch bệnh. Song song với đó là những giải pháp về phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Khó khăn sẽ chồng chất trong quý II, nhưng tinh thần của chúng ta là quyết liệt hơn nữa, phấn đấu bảo đảm ngành kinh tế không bị gẫy đổ, phải duy trì mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt; nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khơi thông các động lực cho tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh....Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19, an sinh xã hội. 

Cùng với đó, tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn sắp hoàn thành. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ... 

Đặc biệt, tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá cao những chính sách mà Chính phủ đang triển khai thực hiện, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Vì vậy, trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn. Giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng, chống những “cú sốc” kiểu COVID-19. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một số nước như: EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc…

Minh Nhật