Trước đó, ngày 22/12/2020, Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm về Môi trường – Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh và Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã kiểm tra hai lô hàng thuộc hai vận đơn hàng không tại kho hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện 51 khúc sừng tê giác có khối lượng hơn 93kg.

Sau khi nắm bắt thông tin vụ án, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng đã tổng hợp các nguồn tin, dữ liệu nhiều khả năng liên quan đến vụ án và chia sẻ với Công an TP Hồ Chí Minh, VKSND TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ công tác điều tra, xử lý vụ án. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đối tượng liên quan nào bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

leftcenterrightdel
 Số tang vật trên lô hàng từ Nam Phi về Việt Nam do Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện ngày 7/2021. (Ảnh: ENV)

Qua theo dõi công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam gần 20 năm qua, ENV nhận thấy hiệu quả công tác xử lý các vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn qua khu vực cảng hàng không hay cảng biển còn chưa triệt để. Cụ thể, theo thống kê tại cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ khoảng 100 tấn tang vật là động vật hoang dã bao gồm ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê được vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua các khu vực cảng biển và cảng hàng không.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 32 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, thu giữ hơn 15 tấn động vật hoang dã bao gồm vảy tê tê, ngà voi, sừng tê giác và một số sản phẩm động vật hoang dã khác tại khu vực cảng biển (tập trung chủ yếu ở cảng Cát Lái) và khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong số đó, chỉ trong 10 vụ vận chuyển trái phép đông vật hoang dã tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (mà xác định được đối tượng vận chuyển hàng hóa) có đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả các vụ án còn lại đều chỉ dừng lại ở giai đoạn khởi tố vụ án và một số vụ án đã phải tạm đình chỉ điều tra do chưa phát hiện hoặc chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự được các đối tượng có liên quan.

Tổ chức điều tra về môi trường (EIA) trong Báo cáo “Động vật hoang dã - Dấu chân Việt Nam tại châu Phi” đã nhận định, Việt Nam đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ về động vật hoang dã, nhưng vẫn chưa đủ để răn đe các nhóm tội phạm buôn lậu động vật hoang dã vốn chỉ coi các vụ bắt giữ là những vụ thua lỗ nhỏ trong kinh doanh, dễ dàng được bù lại bằng các lô hàng tiếp theo. Hơn nữa, các vụ bắt giữ chỉ là phần nổi của tảng băng, vì trên thực tế khối lượng các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp đến và rời Việt Nam mà không bị phát hiện còn lớn hơn nhiều.

leftcenterrightdel
 Hàng tấn động vật hoang dã bị vận chuyển qua các cảng biển, cảng hàng không tại Việt Nam. (Ảnh: ENV)

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc, ENV cho biết, trên thực tế, Việt Nam đã có những thành công nhất định trong công tác xử lý các vụ án tại cảng sân bay, cảng biển. Trong năm 2019, các cơ quan chức năng Hà Nội đã bắt giữ thành công một đối tượng vận chuyển trái phép 126,5 kg sừng tê giác từ Dubai về Việt Nam qua đường hàng không, đối tượng sau đó đã bị tuyên phạt 14 năm tù – mức hình phạt cao nhất với một đối tượng phạm tội về động vật hoang dã tại Việt Nam. Hay mới gần đây, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã phát hiện và truy cứu trách nhiệm thành công đối tượng trong vụ án vận chuyển trái phép 456,9kg ngà voi, hơn 6 tấn vảy tê tê, 138kg sừng tê giác, và 3 tấn xương sư tử đặc biệt lớn từ châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng), đối tượng đã bị tuyên phạt 13 năm tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai đối tượng trong các vụ án trên đều chỉ là những đối tượng thực hiện thủ tục hải quan, là “những mắt xích nhỏ” trong đường dây vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia về Việt Nam. Việc phát hiện, thu giữ tang vật nhưng chưa bắt giữ và xử lý những đối tượng cầm đầu chỉ có ý nghĩa làm giảm lợi nhuận của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép mà không thực sự xóa bỏ được hoạt động của các đường dây này.

Bà Hà tiếp tục chia sẻ: “Việc điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu hoặc đóng vai trò quan trong trong những đường dây buôn bán động vật hoang dã  quy mô lớn không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một số kết quả tích cực trước đó đã cho thấy các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thành công nếu quyết tâm và tập trung mọi nguồn lực vào việc điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng có liên quan.

Việc thu giữ hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê sẽ không có ý nghĩa nếu không được tiếp nối bằng nỗ lực điều tra, xử lý tới cùng các đối tượng có liên quan. ENV hi vọng trong thời gian tới sẽ có thể ghi nhận nhiều hơn nữa thành công của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã, đặc biệt là các vi phạm về động vật hoang dã tại khu vực cảng hàng không, cảng biển để đây không còn là phương thức an toàn cho các đối tượng phạm tội về động vật hoang dã lợi dụng.”

L.T