Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân/người sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Về tiêu thụ rượu bia tính theo lượng cồn nguyên chất, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ 6,6 lít cồn nguyên chất. Theo thang đánh giá tiêu chuẩn 6 cấp về lượng cồn tiêu thụ của WHO, năm 2014, Việt Nam đứng xếp thứ 3 về mức độ và nằm trong mức tiêu thụ trung bình của thế giới 5 – 7,4 lít cồn nguyên chất/người/năm.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ này gần bằng lượng cồn tiêu thụ của các nước tiêu thụ bia rượu hàng đầu khu vực như Nhật Bản là 8 lít, Lào 7,3 lít và Thái Lan là 7,1 lít/người/năm và còn thua các nước Hàn Quốc là 13 lít/người, Nga, Anh, Pháp là 10 lít/người. Trong khi đó Tổng thu nhập quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân/người (GDP/người) của Việt Nam còn thua xa với các nước châu Á như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và chỉ xếp thứ 8/10 nước ASEAN.
Trước đó ngày 7/5, trong một nghiên cứu khác, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, với mức độ tiêu thụ độ uống có cồn, đặc biệt là bia tại Việt Nam tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm qua. Việt Nam đã đứng thứ 3 Châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc về tiêu thụ rượu bia. Bộ Y tế cũng đã phát đi thông báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Dự báo đến năm 2025, sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam hiện nằm trong Top 25 của thế giới.
Năm 2014, trong Báo cáo Tiêu thụ bia toàn cầu năm 2013 của hãng bia lớn nhất Nhật Bản (Kirin) cho biết, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, thị trường tiêu thụ bia, rượu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Việt Nam nằm trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng bia rượu mạnh nhất thế giới năm 2013, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2013 so với năm 2012 là 7,3%. Việt Nam lọt 1 trong 10 nước tăng trưởng tiêu thụ bia rượu lớn nhất thế giới năm 2013.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 120 cơ sở sản xuất bia rượu, hơn 1700 cơ sở sản xuất nước giải khát, cùng nhiều cơ sở sản xuất rượu trong dân. Sản lượng bia bình quân/người của Việt Nam hiện là 34,3 lít năm 2013 và sản lượng sản xuất bia của Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới, sau các nước cường quốc Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nga và Nhật Bản…
Kế hoạch từ năm 2015 – 2035 của VBA, ngành bia sẽ sản xuất khoảng 3,5 tỷ lít, 2020 đạt 4,5 tỷ lít, 2020 là 5 tỷ lít bia và năm 2035 đạt 5,5 tỷ lít. Rượu đạt 350 triệu lít, đồ uống có ga đạt 8,8 tỷ lít. Như vậy, nếu kế hoạch sản xuất năm 2035 được thực hiện, với số dân trên 15 tuổi đạt 83 triệu người, sản lượng sản xuất bia/người đạt 66 lít/người, tiêu thụ bình quân người/năm sẽ là 5,5 lít một năm.
Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện của VBA bày tỏ nỗi lo nếu cơ quan Nhà nước thực hiện quy định dán tem bia để quản lý người mua, chống hàng giả và áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo “Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ngành bia” thì các DN trong nước sẽ mất không 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó giá bia rượu trong nước sẽ tăng, thuận lợi cho hàng giả, hàng nhái nước ngoài xâm nhập Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động. Theo VBA, hiện lao động trong ngành bia, rượu và ước giải khát Việt Nam đạt 47.000 người, đóng góp khoảng 1,2 tỷ USD vào GDP mỗi năm.
Theo Dân trí