Khả năng các nước Ấn Độ, Thái Lan có thể cạnh tranh với gạo Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2013 không cao như đánh giá của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA). Điều này không lý giải việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp trong một thời gian dài.
[links()]
|
Chính sách trợ giá cho nông dân của Chính phủ Ấn Độ sẽ làm cho khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu giảm đi. Ảnh một phụ nữ Ấn Độ thu hoạch lúa trên đồng. Ảnh minh họa: Phạm Thái |
Sức ép không cao
Tại cuộc họp sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 4 tháng năm 2013, tổ chức hồi cuối tuần qua ở TPHCM, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhận định hiện nay cung đang lớn hơn cầu, các nước xuất khẩu gạo đều đang tồn kho lớn.
Sức ép này khiến các doanh nghiệp phải chấp nhận bán giá thấp, thậm chí bán lỗ để giải phóng hàng tồn kho. Nhưng tình hình thị trường có đến mức khó khăn như nhận định của người đứng đầu VFA không? Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, như Thái Lan và Ấn Độ, có khả năng tăng đột biến lượng gạo xuất khẩu?
Năm 2012, Ấn Độ đột ngột vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 10,3 triệu tấn gạo. Mùa màng bội thu kết hợp với việc sau hơn 3 năm liên tiếp tồn trữ gạo trong kho để đảm bảo lương thực cho người dân theo chính sách của chính phủ nước này, Ấn Độ đã “xả hàng” và gây nên hiện tượng nói trên. Trong 10,3 triệu tấn gạo được xuất khẩu, có 3,4 triệu tấn là gạo Basmati, còn lại là gạo trắng. Tuy nhiên, khả năng nước này xuất khẩu ngang hoặc cao hơn số lượng năm 2012 là rất khó vì không còn gạo cũ để bán ra nhiều như năm trước, ngược lại phải tăng cường tích trữ để phục vụ nhu cầu nội địa.
Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia về lúa gạo, quốc hội Ấn Độ có khả năng thông qua Luật An ninh lương thực quốc gia trong năm nay. Luật này hướng đến cung cấp lương thực miễn phí hoặc được trợ giá cho người dân. Ước tính có khoảng 75% số dân sống ở nông thôn và 50% số dân sống ở thành thị sẽ được hưởng trợ cấp và 65 triệu tấn lúa mì và lúa gạo được trợ giá. Trợ giá bao gồm giá mua lúa của nông dân và trợ giá vật tư, nguyên liệu, nếu luật được thông qua. Điều này đòi hỏi một số lượng lớn lương thực, bao gồm các loại ngũ cốc, chủ yếu là lúa mì và lúa gạo, được tích trữ để phục vụ cho phân phối nội địa.
Theo ông Bích, đây là rào cản khiến Ấn Độ không có khả năng tung một lượng lớn gạo ra thị trường như năm 2012.
Tương tự đối với Thái Lan. Hiện tại giá chào bán gạo hạt dài chất lượng cao của Thái Lan vào khoảng 535-545 đôla Mỹ/tấn, cao hơn 160 đô la Mỹ so với gạo 5% tấm của Việt Nam. Nhưng nếu bán ra với giá này, thương nhân Thái Lan sẽ chịu lỗ vì với chương trình hỗ trợ giá cho nông dân của Chính phủ nước này, giá bán phải dao động từ 800 đến 850 đô la Mỹ/tấn.
Nên mặc dù chịu sức ép tồn kho lên đến 20 triệu tấn gạo (theo đánh giá của USDA và FAO) trước khi bước vào vụ thu hoạch chính vào tháng 11, Thái Lan vẫn khó có khả năng giảm giá gạo để đẩy mạnh bán ra, giải quyết hàng tồn kho và Chính phủ nước này đang ở tình thế “trên đe dưới búa” với bài toán ngân sách và hỗ trợ cho nông dân.
Giá thấp để hút khách Trung Quốc?
Tính đến cuối tháng 4, tổng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy tương đương với 280.000 tấn, đáng kể nhất là hợp đồng ký với Trung Quốc. Theo ông Trương Thanh Phong, thương nhân Trung Quốc hủy nhiều hợp đồng trong thời gian qua vì sợ giá tiếp tục giảm. Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp lý giải rằng, thương nhân Trung Quốc mua bán mạnh khi có chênh lệch giá lớn chứ không dựa trên nhu cầu.
Tuy nhiên, số lượng hợp đồng bị hủy chỉ chiếm 6,61% so với lượng hợp đồng xuất khẩu tính đến cuối tháng 4, tương đương 4,23 triệu tấn.
Theo lý giải của doanh nghiệp xuất khẩu gạo kể trên, là do họ thấy giá giảm nhanh nên đã hủy hợp đồng, nhưng ngay sau đó quay lại ký mới, thậm chí với số lượng lớn hơn.
"Giá bán của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu gạo khác, trong khi chất lượng gạo khá cao, chủ yếu là gạo mới thu hoạch nên đã thu hút khách mua", ông này nói.
Hợp đồng nhiều nhưng giá xuất khẩu FOB trung bình của 4 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ của 3 năm trở lại đây đạt mức thấp nhất, chỉ chưa đến 438 đô la Mỹ/tấn.
Từ cuối tháng 3 đến nay, giá chào gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cũng rất ít lần vượt quá 390 đô la Mỹ/tấn. Giá chào gạo 5% tấm của Viêt Nam ngày 7- 5 từ 375 đến 385 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Ấn Độ 75 đô la Mỹ.
Đứng trước diễn biến trên thị trường xuất khẩu gạo, một chuyên gia bình luận "rất khó hiểu với động thái treo giá thấp suốt một thời gian dài của VFA".
Sự chú ý của giới kinh doanh xuất khẩu gạo đang hướng về thị trường Trung Quốc. Năm 2012, nước này nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam nhất với số lượng hơn 2 triệu tấn đồng thời hủy hợp đồng nhiều nhất với số lượng 600.000 tấn.
Năm 2013, Trung Quốc vẫn được doanh nghiệp kỳ vọng là nước nhập khẩu mạnh, nhưng đến nay nhu cầu không cao. Do vậy, trong một cuộc họp gần đây, ông Trương Thanh Phong cũng đề cập đến việc các doanh nghiệp nếu bán giá cao, khách Trung Quốc sẽ không mua.
Theo Phạm Thái
Thời báo Kinh tế Sài Gòn