Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản với vị thế nhất nhì thế giới, vị trí về sản lượng là vậy nhưng sức mạnh về giá trị và điều tiết thị trường thì lại không có. Điệp khúc được mùa mất giá, càng sản xuất nhiều càng lỗ không chỉ xảy ra đối với thị trường trong nước mà còn là nỗi buồn của thị trường xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 10,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. Do khó khăn về thị trường và giá xuất khẩu giảm nên ngoài mặt hàng lâm sản duy trì được đà tăng trưởng thì các mặt hàng nông sản chính và thủy sản có sự sụt giảm so với năm trước. Lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 2,86 triệu tấn, giá trị đạt 1,265 tỷ USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 445 USD/tấn, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng cà phê, khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 697 ngàn tấn, giá trị đạt gần 1,49 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 2.172 USD/tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 5,6%.
Sản lượng tăng, nguồn cung tăng nhưng giá thu mua lại giảm, là thực trạng mà xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt khi mà công tác dự báo giá chưa được quan tâm.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, người nông dân đang phải đối mặt với thực trạng càng sản xuất nhiều càng lỗ nhiều bởi 10 năm nay thì lãi suất trên 1kg gạo xuất khẩu vẫn giữ nguyên.
Giá giảm mạnh không chỉ khiến người nông dân thất thu mà còn khiến nhiều ngành xuất khẩu lao đao, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Theo các chuyên gia kinh tế, do nhiều ngành nghề chưa có dự báo tốt về thị trường cũng như việc sản xuất còn manh mún và nhỏ lẻ nên chưa có khả năng điều tiết hàng hóa. Điều đó lý giải vì sao mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam dù có vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng nhưng sức cạnh tranh và sức mạnh thực sự về vị trí số 1 hầu như không có.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng thừa nhận việc không nắm rõ nhu cầu của khách hàng mua trên thế giới. Trong khi đó, các nhà môi giới xuất khẩu dù biết rất rõ lượng cầu từ nước ngoài nhưng lại không đủ điều kiện để tổng quát thông tin cung cấp trong nước. Vậy nên, thông tin mỗi nơi có được chỉ là một góc nhỏ của thị trường nên dự báo đưa ra có phần thiếu chính xác.
Trên thực tế cho thấy, thông tin dự báo của các ban, ngành thì nhiều nhưng thường không đến tay người nông dân - lực lượng sản xuất trực tiếp nên họ cứ sản xuất tự phát, sản xuất theo nhu cầu và năng lực đến khi nguồn cung vượt quá xa so với nhu cầu nên hàng tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: Có thể người nông dân có nghe thông tin dự báo nhưng cũng không biết làm thế nào vì có những thông tin dự báo về thị trường nhưng lại không có những phân tích cụ thể là giảm như thế nào hay định hướng cụ thể trồng cây gì, nuôi con gì…
Với vị thế xuất khẩu nhất nhì thế giới về hàng nông sản, Việt Nam hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến giá nông sản thế giới. Cơ hội và lợi nhuận của ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nếu như công tác dự báo thị trường của Việt Nam tốt, đi kèm với công tác điều tiết thị trường linh hoạt.
Mai Hòa