Nắm bắt được xu hướng thị trường về các loại hoa, Đơn Dương đã triển khai nhiều mô hình trồng hoa, từng bước tạo dựng thương hiệu, đồng thời góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn.
Những năm gần đây, mô hình trồng hoa phát triển mạnh ở nhiều địa phương và bước đầu nhận thấy, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều nông hộ vươn lên khá giàu. Là một trong số ít người đi đầu trong phong trào phát triển trồng hoa địa lan ở Ka Đô, từ năm 2006, nhận thấy đất canh tác rau, củ thương phẩm không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, ông Nguyễn Thành Chu (Nam Hiệp 1) mạnh dạn đầu tư nhà lưới để chuyển sang trồng hoa địa lan. Với tinh thần chịu khó học hỏi, ông Chu từng bước biến giấc mộng làm giàu bằng hoa lan trở thành sự thật. Ông Chu chia sẻ: “Nhờ có con trai làm ở Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KT Nông nghiệp Lâm Đồng nên việc chuyển đổi cây trồng không có gì quá khó khăn với ông, việc đưa cây gì vào trồng sao cho hiệu quả được con trai tư vấn rất kỹ. Khi chọn địa lan, ông đã tính toán, từ nguồn giống, thị trường ổn định, nên rất yên tâm chất lượng hoa và đầu ra của nó.
Theo kinh nghiệm của ông Chu, trồng hoa không khó, nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ từ khâu làm đất. Phải xử lý đất bằng vôi và thuốc trừ nấm trước khi trồng và bắt buộc phải bón lót phân vi sinh hoặc phân chuồng đã ủ hoai có trộn với nấm trichoderma, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học. Hoa là cây ngắn ngày lại rất mẫn cảm với thời tiết, rất dễ bị nấm nên cần theo dõi thường xuyên, phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp phòng trừ thích hợp, tưới nước đủ ẩm nhưng không được tưới nhiều quá sẽ dễ bị nấm. Trong thời gian tới, nếu có vốn tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vì lan là loại cây trồng mang lại thu nhập cao mà khó có cây trồng nào sánh kịp. Hiện tại, vườn lan với hơn 7.000 m2, mỗi năm doanh thu của ông Chu khoảng 500 triệu đồng”.
Gia đình ông Đỗ Công Danh (thôn Quảng Hòa, Quảng Lập) chuyển đổi một phần diện tích trồng rau củ thương phẩm sang trồng hoa hồng môn đem lại kinh tế khá cao. Ông Danh cho biết: “Trong một lần đi chơi nhà bà con trên Đà Lạt, thấy nông dân Đà Lạt trồng hồng môn có hiệu quả kinh tế, ông bắt đầu đầu tư thử 1 sào nhà lưới với số tiền 150 triệu đồng có hệ thống phun béc để trồng. Hồng môn giá cả ổn định, dễ chăm sóc, ít tốn thuốc bảo vệ thực vật, cứ 10 ngày cắt một lần. Mỗi bông hồng môn loại A (bông to, màu sắc đẹp) có giá từ 5.000 - 6.000 đồng. Trúng dịp lễ, tết bông có giá từ 8.000 - 9.000 đồng. Với diện tích trên mỗi tháng ông thu 6 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình”.
Bà Lê Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đô cho biết: “Trồng hoa đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, giúp họ vươn lên làm giàu hiệu quả. Hiện nay, xã có hơn 12 ha diện tích đất trồng hoa, vào đợt cao điểm có thể lên đến 20 ha. Toàn xã có 40 - 50 hộ trồng hoa các loại. Tuy nghề trồng hoa mới “du nhập” vào Ka Đô vài năm, song đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ nông dân ở Ka Đô có xu hướng chuyển đổi từ việc canh tác một số loại cây trồng truyền thống sang trồng hoa. Diện tích trồng hoa được mở rộng cùng với số hộ trồng hoa không ngừng tăng qua các năm”.
Bà TouProng Nai Khoan, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, diện tích trồng hoa của nông dân vào khoảng 160 ha, tập trung ở các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra, TT Thạnh Mỹ,... trồng với nhiều giống hoa khác nhau như hoa cúc, hoa lan, hoa huệ, hoa hồng môn, hoa đồng tiền, lay ơn... Hoa Đơn Dương chất lượng không thua kém gì Đà Lạt, Đức Trọng, nên cứ đến thời điểm thu hoạch, thương lái tới tận ruộng để thu mua. Dù là nghề mới, song trồng hoa ở Đơn Dương mang lại hiệu quả tích cực không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà còn nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân giúp họ cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Đây cũng là cơ sở để mô hình này tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích trồng hoa của Đơn Dương lên khoảng 300 ha.
Theo Báo Lâm Đồng