UBND TP Thủ Đức vừa có văn bản về việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

leftcenterrightdel
 TP Thủ Đức siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP Thủ Đức yêu cầu các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi nhiễm COVID-19 phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch, phải tạm ngưng sản xuất để đảm bảo việc kiểm soát, an toàn phòng dịch. Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp đã có phương án "vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" sẽ tiếp tục hoạt động, phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, đảm bảo kiểm soát, "không cho người ra khỏi doanh nghiệp", trừ trường hợp cấp bách.

Các doanh nghiệp hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 phải khẩn trương thực hiện “sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động bên trong nhà máy tại công ty hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá); phải tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng xe đưa đón, không để người lao động tự đi bằng xe cá nhân. 

Đối với các khu vực phong tỏa, cách ly y tế thì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi xuất nhập vật tư, sản phẩm, phương tiện được phép ra vào trong khung giờ 22h-5h, tài xế phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, phải khai báo y tế và cập nhật vào sổ nhật ký hàng ngày; lập danh sách phương tiện, liên hệ UBND phường trú đóng để cấp phù hiệu cho phương tiện ra vào khu vực phong tỏa cách ly.

TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hơn 320.000 lao động. Ở đợt dịch này, nhiều nhà máy bị COVID-19 xâm nhập, phải phong tỏa. Tại Khu chế xuất Tân Thuận, 29 doanh nghiệp cũng phải dừng hoạt động.

Các nhà máy khác thuộc Tập đoàn Nidec như Nidec Servo, Nidec Copal tại Khu công nghệ cao với tổng gần 4.000 công nhân hiện chỉ sản xuất một ca, số lượng công nhân giảm còn khoảng 35% so với trước. Hai doanh nghiệp đã có phương án vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, chờ thẩm định./.

Nguyễn Lánh