Ngày 10/10, Cục QLTT TP HCM cho biết thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm đã bị phát hiện và xử lý, đặc biệt là các đơn vị lợi dụng mạng xã hội để quảng bá và bán hàng giả.
Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 18 đã phát hiện hộ kinh doanh thời trang H.T.H. tại đường Nguyễn Ảnh Thủ, ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn đang giới thiệu, bán hàng hóa trên TikTok.
Qua phối hợp kiểm tra cùng UBND xã Bà Điểm, lực lượng chức năng đã tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, với tổng trị giá hơn 23,2 triệu đồng.
|
|
Lực lượng chức năng TP HCM kiểm tra, xử lý hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Tương tự, Đội QLTT số 18 cũng phát hiện thêm một hộ kinh doanh thời trang N-H trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn do ông N.N.P. làm chủ. Qua kiểm tra, cửa hàng này đang kinh doanh 32 sản phẩm thời trang Louis Vuitton có dấu hiệu vi phạm bản quyền, tổng trị giá hàng hóa hơn 20,1 triệu đồng.
Đội QLTT số 18 tiếp tục phát hiện hộ kinh doanh loa G.H. tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn do ông Đ.B.N.C. làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ 82 vỏ thùng loa không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc và không có hóa đơn chứng từ. Toàn bộ sản phẩm này đang được quảng cáo và bán trên Facebook với tổng trị giá hàng hóa hơn 50,6 triệu đồng.
Cùng với đó, Đội QLTT số 12 thuộc Cục QLTT TP HCM cũng đã tiêu hủy hơn 14.000 đơn vị hàng hóa vi phạm, bao gồm hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và hàng giả mạo nhãn hiệu.
Trong số này có các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm... với tổng giá trị lên đến hơn 653,7 triệu đồng. Đây là số tang vật được thu giữ trong đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu trên địa bàn quận 12.
Thời gian tới, lực lượng QLTT TP HCM cam kết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn và xử lý các hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc phân biệt và tránh tiêu thụ hàng hóa vi phạm, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm trong thương mại điện tử, các hành vi gian lận liên quan đến hàng giả, hàng nhái có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tịch thu và tiêu hủy. Đây là biện pháp thường được áp dụng để ngăn chặn việc tiếp tục kinh doanh những sản phẩm vi phạm. Ngoài phạt tiền, cơ sở kinh doanh có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.
Nếu giá trị hàng hóa vi phạm lớn hoặc hành vi tái phạm nghiêm trọng, cá nhân hoặc tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ phạt tiền đến phạt tù lên đến 3 năm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng có thể phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để chặn hoặc xóa các tài khoản vi phạm, nhằm ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng hóa không hợp pháp trực tuyến./.
|