leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất giả mạo nhiều thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: QLTT

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin, trước đó, ngày 13/8/2024, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh bóng golf do ông T.X.L làm chủ tại TP Yên Bái.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện cơ sở đang thực hiện hành vi dập, in nhãn hiệu cho trên 9.100 quả bóng golf các nhãn hiệu như: Titleist ProV1, ProV1, Callaway, HONMA, Volvik. Ngoài những trái bóng đã được in dập tên với các thương hiệu nổi tiếng, Đoàn kiểm tra còn ghi nhận tại cơ sở có 23.700 quả bóng golf các loại màu, trên thân bóng không có căn cứ xác định nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa đang nằm ở khu vực chờ được “cho tên, khắc họ”. 

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ việc in, dập nhãn hiệu bóng golf.

leftcenterrightdel
 Hàng hóa vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở sản xuất. Ảnh:QLTT

Tại thời điểm kiểm tra, ông T.X.L, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Căn cứ kết quả kiểm tra, bước đầu, Đội QLTT số 2 xác định, trên 9.100 quả bóng golf mang các nhãn hiệu Titleist ProV1, ProV1, Callaway và HONMA có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa và máy móc, trang thiết bị phục vụ việc in nhãn hiệu bóng golf. Đồng thời, tiến hành liên hệ đại diện sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu để xác nhận hàng thật, hàng giả.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của các đại diện sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu xác nhận 9.112 quả bóng golf các loại là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, Đội QLTT số 2 đã làm việc với ông T.X.L, theo đó, chủ cơ sở thừa nhận toàn bộ số bóng golf cơ sở đã in, dập là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Theo xác định của Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, lô hàng có dấu hiệu vi phạm của cơ sở ông T.X.L có trị giá gần 900 triệu đồng. Trong đó, lô hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam được xác định có trị giá trên 413 triệu đồng; lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có trị giá trên 281 triệu đồng.

Căn cứ hồ sơ vụ việc và các tài liệu có liên quan, Đội QLTT số 2 xác định, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bóng golf có dấu hiệu tội Cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Yên Bái vừa đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Yên Bái tiếp nhận hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan và toàn bộ tang vật vi phạm hành chính để tiếp tục điều tra, làm rõ.

 

Nguyễn Anh