TP.HCM đang có kế hoạch tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM với các đại biểu tại Hội nghị sơ kết chương trình BOTT. |
Theo kế hoạch này, Sở Công thương TP.HCM sẽ tăng cường công tác dự báo tình hình, chủ động nắm bắt về cung cầu, giá cả, đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón... để xử lý những vấn đề bất ổn, hạn chế tình trạng đầu cơ.
Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 của ngành công thương TP.HCM, Sở Công Thương nhận xét, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, song thương mại nội địa vẫn tăng trưởng khá ấn tượng. Đây là tiền đề để TP hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp và thương mại 5 năm 2016-2020.
Sở Công thương TP.HCM dự báo, kinh tế thế giới giai đoạn 2016-2020 sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của hầu hết các nền kinh tế lớn (bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc...) và của các lĩnh vực chủ yếu kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư. Trong giai đoạn này, nước ta tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, khu vực với việc tham gia Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN, ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện lộ trình cam kết WTO,...
Để thích ứng với tình hình mới, đảm bảo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 15-17%/năm, ngành công thương TP xác định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như tiếp tục bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện các chương trình bình ổn thị trường (BOTT) để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Tập trung BOTT từ gốc của sản xuất, hỗ trợ vốn cho người sản xuất, cho vận chuyển. Đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu, ổn định thị trường giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất với phân phối. Hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống phân phối, hệ thống chuyên doanh theo ngành hàng, kinh doanh tổng hợp, phát triển theo địa bàn thành thị, nông thôn; kết hợp các phương thức kinh doanh: Trung tâm thương mại hiện đại có quy mô lớn, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các loại chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ...) Trong đó, TP đặc biệt chú trọng hệ thống kinh doanh thực phẩm nhằm giảm bớt các chi phí trung gian từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát ở thị trường trong nước. Tạo điều kiện và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy hình thành những DN phân phối lớn của TP với các cơ sở kinh doanh hiện đại, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh.
Theo Sở Công thương TP.HCM, thị trường trong nước những năm qua đã có những bước phát triển khá nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình khuyến mại, giảm giá của các DN phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, KCN - KCX, những đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường. Nhiều DN thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. |
Theo Người Tiêu Dùng