Ghẹ xanh tươi ngon 60.000 đồng, tôm hùm 120.000 đồng/kg... là những hải sản hạng sang nhưng giá rẻ bất ngờ khi bán vỉa hè ở TP.HCM.

 


Tuấn, bán tôm sú ở đường Đỗ Xuân Hợp, cho biết tôm, cá, ghẹ lấy tận ngoài miền Trung, còn nghêu, hàu thì có khi lấy ở Cần Giờ (TP HCM), cũng có khi lấy từ Gò Công (Tiền Giang). Tuấn khẳng định: “Giá rẻ nhưng hàng bảo đảm xịn, vì lấy từ gốc”. Xong khi khách thắc mắc: “Hàng xịn thì tôm, cua phải còn sống, đằng này tôm, cua bán ven đường đã chết”, Tuấn giải thích, vì bán rẻ nên phải rút bình oxy ra.

Cũng theo Tuấn, hầu hết khách đi đường mua vì giá chứ ít ai quan tâm đến hải sản sống hay chết. Khách hàng của Tuấn không chỉ khách mua lẻ mà nhiều quán ăn cũng đến đặt hàng.

Anh Tâm, bán cá mú dưới chân cầu Rạch Chiếc, cũng khẳng định cá mú anh bán là cá mú… thật 100%, được lấy thẳng từ nơi nuôi cá mú lồng tận đảo Phú Quý, Bình Thuận. Hỏi vì sao giá cá mú loại rẻ nhất tại đảo đã 300.000 đồng/kg nhưng bán tại TP.HCM chỉ có 100.000 đồng kg. Anh này cho biết giá cao là vì phải qua nhiều nấc thương lái, còn anh lấy tận gốc nên được giá rẻ.

Theo chị Uyên, người có kinh nghiệm buôn bán hải sản lâu năm ở chợ Tăng Nhơn Phú B, quận 9, thời điểm này, cua biển sống loại ngon mua tại Cà Mau đã là 300.000 đồng/kg. Thực chất cua vỉa hè có giá hấp dẫn nhờ người bán ăn gian về trọng lượng, do mỗi con cua được cột dây cho nặng thêm; cũng có khi là loại cua lột, cua dạt do các chủ ao nuôi dọn ao, bán giá rẻ chỉ 20.000 - 40.000 đồng/kg, chứ không phải cua biển tự nhiên.

Ngày càng nhiều các điểm bán hải sản vỉa hè rao bán hải sản “xịn” mọc lên và hút được khá đông khách mua. Một điểm bán hải sản vỉa hè được hình thành chỉ với vài khay nhựa hay tấm bạt nhỏ trải bên vệ đường nhưng có đủ mặt hàng cho khách lựa chọn, từ các loại ốc, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ đến ba ba biển…. Chưa nói đến chất lượng, riêng về giá, người mua dễ bị hoang mang và thường móc hầu bao mua thử, vì có sự chênh lệch quá lớn với các chợ, siêu thị hoặc các điểm bán hải sản khác. Nếu khách hỏi thì sẽ được giải thích là do hàng lấy tận gốc, lại không tốn chi phí đầu tư cửa hàng, nên giá rẻ.

Chị Dung, bán trên đường Đỗ Xuân Hợp thừa nhận, hàng ở đây có giá rẻ ngoài lý do không tốn kém về chi phí mặt bằng còn vì là nguồn hàng dạt, hàng càng chết lâu, càng ươn thì giá bán càng rẻ. Ngoài ra, các loại tôm, cua, ốc biển nuôi… cũng bị dán nhãn hàng đánh bắt ngoài biển. Nhưng cũng theo tiết lộ của chị Dung, chỉ người bán có kinh nghiệm mới biết được hải sản nào là loại nuôi, đâu là loại đã ươn, vì người bán nào cũng có chiêu giữ cho hải sản chết có màu tươi như còn sống.
 

Theo H.Linh
Infonet

.