Giả mạo nguồn gốc khoáng sản để xuất khẩu
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho thấy, có một số doanh nghiệp với quy mô khai thác, chế biến khoáng sản không lớn, hoặc là không có khả năng chế biến sâu khoáng sản nhưng vẫn làm thủ tục và xuất khẩu khoáng sản. Như vậy, có dấu hiệu của việc mua gom, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp hoặc khoáng sản chỉ mới được khai thác, chưa đáp ứng điều kiện để đưa đi xuất khẩu...
Các thủ đoạn chủ yếu mà các đối tượng thường thực hiện đó là: Khai báo sai về tên hàng để xuất khẩu hàng cấm, tức là doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu thì hồ sơ khai báo hàng hóa là tinh quặng, nhưng khi kiểm tra thực tế thì cho ra kết quả là quặng dạng thô, là mặt hàng cấm xuất khẩu.
|
|
Cần siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản. |
Doanh nghiệp cố ý khai báo hàng hóa vào mã có thuế suất cao hơn để lách giấy phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền. Điển hình như một số doanh nghiệp làm thủ tục khai báo xuất khẩu là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, nhưng khi kiểm tra thực tế lấy mẫu giám định thì hàng hóa không phải là đá xây dựng thông thường mà là khoáng vật dolomit (dolomit có thuế suất thấp hơn thuế suất đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi). Trong khi đó, để được xuất khẩu khoáng vật dolomit thì doanh nghiệp cần phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một thủ đoạn nữa đó là khai báo sai về số lượng (khối lượng) hàng hóa để trốn thuế, doanh nghiệp khai báo trong hồ sơ xuất khẩu khối lượng hàng hóa ít hơn khối lượng hàng hóa thực tế đưa đi xuất khẩu. Đặc biệt, thời gian qua, nổi lên thủ đoạn xuất lậu hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, tức là doanh nghiệp mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp giấy phép để xuất lậu sang nước ngoài; hoặc có một số doanh nghiệp với quy mô khai thác khoáng sản không lớn, nhưng lượng hàng hóa xuất đi lớn, qua đó cho thấy tiềm ẩn nguy cơ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp được doanh nghiệp mua gom, tập kết, sau đó hợp lý hóa hàng hóa để mang đi xuất khẩu.
Dư luận thời gian qua hẳn chưa quên vụ Công ty Bảo Nguyên đã khai báo sai về khối lượng hàng hóa và vi phạm quy định về việc “không xuất khẩu khoáng sản thô” theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Công ty này đăng ký tờ khai xuất khẩu số 302816355501/B11 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, hàng hóa khai báo là 42.000 tấn tinh quặng bau xít. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả và Chi cục Kiểm định Hải quan 5 kiểm tra thực tế và lấy mẫu hàng hóa gửi Viện khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giám định. Kết quả giám định cho thấy, lô hàng xuất khẩu của Công ty Bảo Nguyên là quặng bau xít dạng thô; kết quả giám định về khối lượng thì có tổng trọng lượng hàng hóa là 44.123,020 tấn quặng. Sau đó, Công ty Bảo Nguyên đã bị khởi tố về tội “Buôn lậu”.
Mới đây (ngày 2/4), Công ty TNHH Vinh Hưng mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, theo khai báo, hàng hóa được mô tả là đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, dạng viên, kích thước < 5mm, thu được từ quá trình đập, nghiền, sàng dùng làm vật liệu xây dựng (CaCO3 < 85%, 7% < CaCO3 < 31.5). Tuy nhiên, khi lấy mẫu giám định thì kết quả cho thấy, hàng hóa không phải đá xây dựng thông thường mà là khoáng vật dolomit, đây là mặt hàng phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khi đó, Công ty TNHH Vinh Hưng không có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo nhận định của cơ quan Hải quan, đây là hành vi cố ý khai báo hàng hóa vào mã có thuế suất cao hơn để lách giấy phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền. Hiện vụ việc đang được Đội điều tra hình sự, Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành điều tra, xác minh và đề xuất xử lý theo quy định.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng xuất lậu khoáng sản, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay, lợi dụng cơ chế của Nhà nước cho phép xuất khẩu số lượng quặng tồn ở các mỏ đã được phép khai thác nhưng không tiêu thụ được trong nước, các đối tượng tiến hành thu mua, khai thác khoáng sản trái phép rồi vận chuyển về các mỏ được phép khai thác, xuất khẩu để làm thủ tục xuất đi nước ngoài.
Ngoài ra, do các mỏ khoáng sản phần lớn nằm ở vùng miền núi, giáp biên, các đối tượng lợi dụng đường biên giới trải dài, thuê người vận chuyển nhỏ lẻ trái phép khoáng sản qua biên giới. Đặc biệt, nhiều loại khoáng sản phải giám định mới xác định được chính xác hàm lượng, mức độ tinh thô, do vậy, các đối tượng thường để lẫn khoáng sản tinh với khoáng sản thô, khoáng sản có hàm lượng cao với khoáng sản có hàm lượng thấp nhằm qua mắt sự kiểm soát của cơ quan Hải quan; khai sai hàm lượng khoáng sản dẫn đến sai trị giá hải quan nhằm trốn thuế; khai sai trị giá để trốn thuế xuất khẩu…
|
|
Công ty Bảo Nguyên đã khai báo sai về khối lượng hàng hóa và vi phạm quy định về việc “không xuất khẩu khoáng sản thô”. |
Giải pháp lập lại trật tự
Mặc dù chính sách pháp luật, quy định, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý, khai thác, xuất khẩu tài nguyên khoáng sản đang được các cơ quan quản lý thực hiện có hiệu quả, nhưng vẫn còn tình trạng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm ăn và trục lợi bất chính. Để kiểm soát thực trạng này, thời gian qua, các ngành, lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn chặn có hiệu quả việc xuất khẩu lậu khoáng sản và gian lận thương mại đối với các mặt hàng trong lĩnh vực này.
Bộ Tài chính cho biết, để lập lại trật tự và đưa việc thực hiện các quy định đi đến thống nhất và hiệu quả, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khi cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì gửi cho cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế để nắm được. Đồng thời, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép để các cơ quan khác có thể tra cứu thông tin phục vụ công tác quản lý.
Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản xuất khẩu, kiểm soát khai thác khoáng sản. Đối với các loại khoáng sản không quy định cấm thì áp dụng giấy phép xuất khẩu. Hạn chế các dự án khai thác, tuyển và chế biến một số loại quặng như: vàng, đồng, niken… ở quy mô manh mún, công nghệ lạc hậu, tổn thất tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Còn theo Tổng cục Hải quan, để bảo đảm việc quản lý khoáng sản xuất khẩu đúng quy định, kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các lô hàng khoáng sản xuất khẩu có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc khai thác.
Theo đó, về kiểm tra thực tế hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra thực tế đối với tất cả lô hàng khoáng sản xuất khẩu. Mức độ kiểm tra thực tế thực hiện theo chỉ dẫn rủi ro trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử. Với trường hợp qua kiểm tra thực tế không đủ cơ sở để xác định hàng hóa phù hợp với khai báo hải quan, danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì công chức hải quan tiến hành lấy mẫu trưng cầu giám định tại phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Vilas.
Ngày 29/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 38/CT-TTg chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng khoáng sản; yêu cầu các Cục Hải quan địa phương chỉ thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu đối với khoáng sản được khai thác từ các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định.
|