Sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian gần đây là xu hướng tất yếu của công nghệ. Đây là một trong những loại hình kinh doanh mới mẻ, hấp dẫn và thuận tiện nhưng cách triển khai chưa chinh phục đươc niềm tin của số đông người tiêu dùng.

Thị trường ảo, rủi ro thật

Có thâm niên mua hàng trên mạng với cả vài năm nhưng chị Ngọc Ánh (Trưởng phòng kinh doanh, Công ty truyền thông tại Hà Nội) vẫn luôn cảnh giác mỗi lần mua hàng. Nỗi lo lắng lớn nhất của chị là việc nhiều chủ gian hàng quảng cáo một đằng sản phẩm một nẻo, chưa kể tới việc có khả năng bị mất tiền oan bất cứ khi nào.

Chị Ánh cho hay: "Năm ngoái mình mua một chiếc áo khoác được rao bán hàng nhập khẩu, nhưng khi chuyển về tới nơi mới ngã ngửa ra hàng bị lỗi. Gọi điện phản ánh với chủ cửa hàng nhiều lần nhưng không được giải quyết, từ đó mình cạch mua quần áo trên mạng dù có rẻ".

Không riêng gì chị Ánh, nhiều người tiêu dùng cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi mua hàng qua mạng. Điều khách hàng thường gặp nhất là được giao hàng đã gần hết hạn sử dụng, chất lượng, mẫu mã... khác xa so với quảng cáo, thậm chí là lừa đảo.

Công an quận Nam Từ Liêm mới đây đã khởi tối 2 đối tượng Đinh Công Tú Anh ( 20 tuổi ) và Võ Văn Mạnh ( 24 tuổi ) vì tội chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi lừa đảo bán iPhone rởm trực tuyến cho hơn 9 nạn nhân.

 

1
Mua hàng trên mạng có nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)


Với 9 vụ lừa đảo trót lọt, 2 đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lên đế 60 triệu đồng. Hành động lừa đảo cho kẹo lạc thay bằng iPhone của các đối tượng trên mặc dù khá khôi hài, nhưng qua đó cũng dấy lên hồi chuông cảnh tình về tình trạng lừa đảo khi mua bán trực tuyến đang ngày càng gia tăng như hiện nay.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong 5 năm qua, có nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua mạng giá trị lên tới vài trăm tỉ đồng, còn những vụ nhỏ thì không kể hết.

Người tiêu dùng vẫn còn nhớ vụ lừa đảo trên mạng là Công ty Mua bán 24 cách đây không lâu. Mặc dù không được Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng các đối tượng đã tuyên truyền trên website muaban24.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử và tạo ra các gian hàng ảo nhằm chiếm đoạt tiền. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2012, các đối tượng đã bán được 121.349 gian hàng ảo với số tiền trên 631 tỷ đồng, sau những đối tượng này rút tiền chiếm đoạt của các hội viên gần 31 tỷ đồng.

Sớm tàn và tự hại mình

Qua khảo sát thị trường người tiêu dùng gần đây cho thấy, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet, một phần hoạt động mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển dần sang thương mại điện tử. Và những mặt hàng được lựa chọn mua qua mạng nhiều nhất là: quần áo, giày dép, giỏ xách..

 

2
Cách triển khai thương mại điện tử thời gian qua chưa chinh phục đươc niềm tin của số đông người tiêu dùng.


Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mua- bán hàng qua mạng đó là chưa có chế tài xử phạt nhà cung cấp sản phẩm giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều trường hợp các công ty thương mại điện tử "treo đầu dê bán thịt chó" hay các sản phẩm không như các quảng cáo trên website của họ.

Ngoài ra, những mô hình thương mại điện tử bán lẻ trên mạng, đặc biệt là các kênh như diễn đàn rao vặt, mạng xã hội cũng xuất hiện tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng cấm kinh doanh. Đấy là những biểu hiện vi phạm, gian lận thương mại trong thương mại điện tử đang xuất hiện khá phổ biến hiện nay. Dù là việc không mong muốn nhưng những sự cố ấy một phần cũng là do quá lạm dụng thương mại điện tử và tư tưởng "đánh đồng" của một bộ phận người dùng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các yếu tố từng kìm hãm thương mại điện tử vài năm trước, như hạ tầng công nghệ thông tin, khung pháp lý, đã được khắc phục. Các rào cản hiện nay là lòng tin của người tiêu dùng, về bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ người tiêu dùng, về giải quyết tranh chấp trong giao dịch mua bán trực tuyến.

Theo đánh giá của Cục TMĐT & CNTT- Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khai thác thương mại điện tử không ít nhưng "con sâu là rầu nồi canh" khiến cho hiệu quả khai thác không cao. Đáng nói nhất trong đó là việc nhận thức về luật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật khi mở website bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các giải pháp thanh toán đồng bộ khiến cho việc mua hàng của người dùng chưa thực sự tiện lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thương mại điện tử cũng là một hình thức thương mại. Nó chỉ khác ở chỗ là tận dụng các trang thông tin điện tử để thực hiện. Đó là một phương tiện rất văn minh, có lợi cho cả người bán lẫn người mua, khi chúng ta chỉ ngồi nhà click chuột thì hàng ở nước ngoài cũng có thể mang về trao tay chúng ta. Và doanh nghiệp cũng quảng bá được đến rất đông đảo người tiêu dùng. Nó góp phần làm cho thị phần thương mại tốt hơn.

Nhưng mặt khác, nó cũng có nhiều bất cập. Ở đây, người bán và người tiêu dùng không tiếp xúc trực tiếp, mà chỉ thông qua một phương tiện kỹ thuật. Khi chúng ta chưa am hiểu rõ, mới nghe quảng cáo mà đã đi mua thì sẽ gặp rủi ro rất cao.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những lợi thế do thương mại điện tử mang lại, và không còn cách nào khác, để có thể mua được những sản phẩm ưng ý với quỹ thời gian eo hẹp thì ngay chính bản thân người tiêu dùng phải tự trang bị hành trang kiến thức để tự bảo vệ mình trước khi chờ đợi sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
 

Theo vietnamnet

.