Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều cửa hàng thực phẩm đã ê hề đồ ngoại giá rẻ, mẫu phong phú, dù có loại không rõ nguồn gốc, trong khi không ít sản phẩm trong nước ế ẩm.
 

1
Ngồn ngộn bánh kẹo ngoại tại Hà Nội dịp giáp Tết. Ảnh: Như Ý.


Tràn ngập hàng ngoại

Dạo qua một số tuyến phố lớn tại Hà Nội như: Hàng Buồm, Bà Triệu, Tây Sơn..., các đại lý bày đủ các mặt hàng từ bánh kẹo, mứt, rượu bia, thuốc lá để phục vụ nhu cầu sắm tết. Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, mặt hàng bánh kẹo có xuất xứ các nước như: Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... chiếm áp đảo trên các kệ. Chị Thu Thảo, chủ quầy hàng trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Cửa hàng bán cả bánh kẹo nội nhưng lượng tiêu thụ bằng 1/3 hàng ngoại nhập. Theo chị Thảo nhận xét chung của cả người bán và khách mua đều là bánh kẹo ngoại rất chịu khó thay đổi hương vị, mẫu mã. Có lẽ vì thế mà hấp dẫn người tiêu dùng hơn hàng nội.

Hiện, sức mua các mặt hàng bánh kẹo, mứt tết, nước ngọt... tăng mạnh so với tháng trước. Cô Bích Khuê, tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, giá bánh kẹo có xuất xứ nước ngoài thấp hơn bánh kẹo trong nước từ: 10.000 – 20.000 đồng/hộp tuỳ loại. “Khách lẻ đến chợ sắm tết thưa thớt nhưng lái buôn các tỉnh đồ về rất đông. Mỗi ngày, quầy hàng tiêu thụ gần 10 triệu tiền hàng từ các loại bánh kẹo, mứt tết. Trong đó, số lượng bánh kẹo nước ngoài chiếm đa số vì giá rẻ, chất lượng tốt”, cô Khuê nói.

Vòng qua một số siêu thị lớn như: Co.op mart, Fivimart, Lotte...hiếm thấy thương hiệu bánh kẹo Việt bày bán. Sở dĩ có sự thiếu hụt này bởi 2 thương hiệu bánh kẹo Việt nổi tiếng trên thị trường là Kinh Đô và Bibica bán cho các “ông lớn” đến từ Mỹ và Hàn Quốc. Còn tại các siêu thị lớn như: Big C, Metro, Lotte..., quầy hàng thịt bò nhập khẩu từ Úc chiếm kệ lớn thay thế hẳn thịt bò trong nước. Đại diện siêu thị Lotte cho biết, giá bắp bò Úc: 380.000 đồng/kg, tương đương với giá bán bắp bò trong nước trong khi bò Úc thơm ngon hơn nên khách hàng lựa chọn nhiều.
 

2
Bánh kẹo ngoại nhập tiêu thụ mạnh tại một đại lý trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hai Bà Trưng, Hà Nội).


Vì sao năm nào cũng… “thua”

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các thương hiệu bánh kẹo Việt “thua” ngay trên sân nhà bởi nhiều năm nay, doanh nghiệp sản xuất không chịu thay đổi về mẫu mã, chất lượng trong khi giá thành cao. “Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm bánh kẹo ngon, rẻ. Các doanh nghiệp trong nước không chịu sự cạnh tranh sẽ buộc phải bán doanh nghiệp cho nước ngoài. Điều này hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp ngoại muốn lấn sân vào mặt hàng bánh kẹo cũng phải thay đổi mẫu mã liên tục và giá cả cạnh tranh”, ông Phong nói.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng khẳng định riêng mặt hàng thịt bò Úc, nguồn cung trong nước không đủ, thiếu ổn định mà giá cả lại cao. “Bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, khoảng 250kg/con, sản lượng cho thịt thấp, chỉ đạt 50% sau khi giết mổ. Trong khi đó, bò Úc có trọng lượng bình quân 500kg/con, cho tỷ lệ thịt là 55%. Vì vậy, từ khi Vissan tham gia nhập khẩu bò Úc tươi sống về giết mổ đến nay, thị trường và giá cả luôn được ổn định, số lượng nhập về tăng mạnh qua từng thời kỳ”- Ông Mười cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, vài năm trở lại đây, bình quân một năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt. Thịt bò sống chiếm thị phần nhiều nhất. “Hiện nay, nguồn cung thịt bò trong nước không đủ. Nếu chúng ta không thay đổi về quá trình nuôi, quy mô, giá thành...thịt bò nội sẽ không thắng được thịt bò ngoại”, ông Vang nói đầy e ngại.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, giá bò hơi bán tại Úc là 3 USD/kg (tương đương 60.000 đồng/kg). Gánh thêm 5% thuế nhập khẩu, cộng thêm phí vận chuyển và hàng loạt các chi phí khác, giá thịt bò hơi về Việt Nam khoảng: 70.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt bò hơi trong nước hiện đang bán 80.000 đồng/kg. Đây là lý do lý giải vì sao bò Úc ngày càng có cửa tràn ngập thị trường Việt Nam, từ các siêu thị đến các điểm bán lẻ.

 

Theo Tiền Phong

.