Đợt nóng đỉnh điểm thời gian qua đã khiến cho thị trường áo chống nắng trở nên sôi động. Nhiều trang web rao vặt giới thiệu dòng sản phẩm chống nắng cao cấp với quảng cáo ngăn chặn được tia tử ngoại, ngừa lão hóa, phòng chống ung thư da… với giá rất cao, lên tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, chất lượng của nó có được như quảng cáo hay đó chỉ là cách thu hút người tiêu dùng của giới kinh doanh.
 


Lướt qua các trang mua bán trực tuyến như enbac.com, vatgia.com, muaban.net…. mới thấy được sự đa dạng của thị trường đồ chống nắng. Đặc biệt, sản phẩm nào cũng có gắn mác ghi tính năng chống tia tử ngoại (UV) lên đến 99%, với giá cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm thông thường hiện đang bán trên thị trường. Cụ thể: mũ có giá 300.000- 800.000 đồng/chiếc, khẩu trang trên dưới 100.000 đồng/chiếc, găng tay 200.000- 300.000 đồng/đôi, váy choàng 400.000- 600.000 đồng/chiếc và ô (dù) 400.000- 700.000 đồng/chiếc…

Đối với loại áo chống nắng được coi là cao cấp hiện nay, nhìn bề ngoài, sản phẩm này trông giống như một chiếc áo khoác gió, màu sắc tươi sáng, bắt mắt, mặt vải mịn, mềm mại, thiết kế tiện dụng, mũ có phần che mặt và cổ. Tuy nhiên, giá của sản phẩm này cao gấp 4-5 lần so với những loại chống nắng khác, với giá trung bình 1 triệu đồng/chiếc, loại rẻ nhất cũng lên tới 550.000 đồng/chiếc, còn loại đắt tiền có thể lên tới vài triệu đồng.

Chị Nguyễn Thu Giang, đường Nghi Tàm, Quận Tây Hồ vừa mua một chiếc áo chống nắng có giá gần 900.000 đồng/chiếc. Theo chị, chiếc áo không chỉ có khả năng chống nắng mà còn ngăn cản được cả tia tử ngoại, ngăn ngừa ung thư da. Chị được nhân viên cửa hàng giới thiệu, do vải chứa chất liệu có tác dụng thấm hút mồ hôi, sau đó thải ngược ra không khí nên cho dù có đi giữa trưa hè nóng bức, chị vẫn sẽ cảm thấy “mát lạnh” khi mặc sản phẩm này. "Cứ phải dùng thực tế thì mới biết có được như quảng cáo hay không", chị Giang nói. Còn chị Nguyễn Thanh Nga nhà ở phố Cát Linh, Quận Đống Đa vừa mua một cái mũ mà theo quảng cáo là "cut 99% UV", chị Nga nói "chả biết có tác dụng đến thế không nhưng cũng hy vọng nó tác dụng phần nào để bảo vệ làn da châu Á".

Theo một nhân viên bán hàng trên phố chùa Bộc, mặt hàng áo chống nắng này phần lớn được nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc… và được giới thiệu là dựa trên tiêu chuẩn UPF (chỉ số chống nắng đối với vải) của ngành dệt may, được cơ quan phòng chống phóng xạ và an toàn hạt nhân ARPANSA (Úc) cấp chứng nhận là sản phẩm có tính năng chống nắng chống tia tử ngoại đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Sản phẩm sử dụng các chất liệu thoáng mát của polyamide và hút ẩm khô của polyester, đặc biệt với chất liệu sợi bamboo có đặc tính kháng khuẩn chống hôi, sẽ giúp cho da dễ chịu giữa trời nắng nóng. Trong quá trình sản xuất có dệt thành phần “Ceramic fiber” ngăn chặn được tia tử ngoại (UV) xâm nhập vào da, làm hạn chế nóng, giảm khả năng gây ung thư da. Vì những tính năng vượt trội đó, trong thời gian qua, rất nhiều chị em sẵn sàng bỏ tiền triệu để sở hữu cho mình “sản phẩm tốt với làn da”, “chống tia tử ngoại mãi mãi”….

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc kiểm định chất lượng ở Việt Nam, chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho rằng, những sản phẩm này không sản xuất tại Việt Nam nên không được các cơ quan chức năng ở Việt Nam kiểm tra chất lượng. Nhằm tạo lòng tin cho khách hàng, chủ cửa hàng đã đưa ra khá nhiều văn bản khẳng định hàng đã qua kiểm định chất lượng hàng hóa bằng tiếng Trung Quốc, trong đó có Giấy chứng nhận Quốc tế ARPANSA (Úc). Theo lời giới thiệu, ARPANSA là cơ quan phòng chống phóng xạ và bảo vệ an toàn hạt nhân của Úc về mẫu sản phẩm đạt độ chống UV. Giấy chứng nhận này đều có đăng trên mạng để khách hàng tiện kiểm tra. Nhưng qua tìm hiểu, ARPANSA lưu ý rằng, do sự khác biệt có thể phát sinh trong quá trình sản xuất, nên chứng chỉ này chỉ cấp cho một lô vải sợi nhất định và không có tác dụng chứng nhận đối với lô hàng khác dù cùng loại vải.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, Khoa Vật Lý- Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện tại chưa có công nhận chính thức của các cơ quan quản lý ở Việt Nam liên quan đến việc chứng nhận của ARPANSA. Cũng theo PGS.TS Luyện, muốn chống được tia tử ngoại cần phải có cái “màn” bảo vệ để không thấm vào da. Nhưng để ngăn được tia tử ngoại tuyệt đối là điều rất khó và làm được điều này cần có nguyên liệu rất đắt tiền. Hơn nữa, muốn biết sản phẩm đó có khả năng ngăn tia tử ngoại đến đâu thì cần phải đo ở phòng thí nghiệm. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thế nào cần phải có các cơ quan chức năng thẩm định. Khi được hỏi, việc trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm chống nắng với quảng cáo chống được 100% tia UV, ông Luyện cho rằng, thực chất họ quảng cáo như vậy chỉ là một chiêu để thu hút người tiêu dùng chứ hiện chưa có sản phẩm nào có khả năng ngăn tia tử ngoại tới 90-100% như vậy.

Vì thế, cũng không cứ phải chọn loại sản phẩm chống nắng có khả năng chống tia UV, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có độ dày, tỷ lệ cotton cao, vừa có tác dụng phòng chống tác hại của các tia tử ngoại, vừa là chất liệu thông thoáng. Nên tránh mua những sản phẩm quá mỏng vì không những không có tác dụng mà còn khiến da dễ bắt nắng hơn.


Theo TTXVN

.