Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) cho biết, 3 năm qua, sản lượng thịt nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Con số này sẽ không dừng lại khi thuế suất nhập khẩu thịt sẽ được giảm theo cam kết trong Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU.
 


Việc các doanh nghiệp nước ngoài, điển hình như EU sẽ “ồ ạt” nhập khẩu thịt vào Việt Nam, nhiều chuyên gia lo ngại nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là chăn nuôi sẽ “chết đứng” nếu không kịp đổi mới. Tại diễn đàn chính sách nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), tổ chức ngày 8/9 tại TPHCM, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi phải đổi mới toàn diện để chủ động hội nhập.

Theo ông Trúc, một trong những nguyên nhân hiện nay khiến sản phẩm thịt heo, bò, gà của Việt Nam không thể cạnh tranh với nước ngoài là do chi phí thức ăn chăn nuôi quá cao khi chiếm đến 60-70% giá thành phẩm. Nếu không hạ thấp giá thành thức ăn chăn nuôi thì sản phẩm từ heo, bò, gà, vịt khó cạnh tranh với nước ngoài.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đồng tình khi cho rằng giá thành thức ăn chăn nuôi Việt Nam cao hơn các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Hơn nữa, hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong chăn nuôi, cơ chế tín dụng ưu đãi thật sự cho ngành này cũng chưa có. Đây là những “điểm trừ” khiến chăn nuôi Việt Nam khó có cửa cạnh tranh với các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực và EU.

Ông Lịch cũng thẳng thắng chỉ ra những bất cập trong ngành chăn nuôi Việt Nam. Thủ tục hành chính rườm rà “đội sổ” danh sách những bất cập đó. Ông Lịch cho biết, để doanh nghiệp nhập được một tấn thức ăn chăn nuôi thì phải mất ít nhất 6 tháng mới có giấy phép.

“Nếu giảm được thủ tục rườm rà, có cơ chế ưu đãi nông nghiệp bằng cách học hỏi các nước trong khu vực. Học hỏi thật sựu trên cơ sở cầu tiến chứ đừng đi học hình thức thì chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời hội nhập”, ông Lịch nói.
 

Theo Dân trí

.