Thịt lợn siêu nạc cũng đáng sợ
Cập nhật lúc 22:58, Thứ hai, 28/04/2014 (GMT+7)
Gần đây, chị em nội trợ không khỏi bức xúc khi nghe thông tin thịt lợn có thể chứa hóa chất tăng trọng.
Thay vì phải nuôi lợn đến 3 tháng mới xuất chuồng thì nay chỉ cần 20-25 ngày là hộ chăn nuôi đã cho xuất chuồng. Để có được con lợn với cân nặng vài chục kilogram mà vẫn đảm bảo siêu nạc, nhanh béo thì các hộ chăn nuôi “truyền tai” nhau sử dụng hóa chất tăng tỉ lệ nạc/mỡ. Nếu sử dụng chất kích thích tăng trọng lượng lợn có thể đạt mức tăng từ 1,5 – 2kg/ngày.
Theo các chuyên gia y tế và thú y, trong chất tạo nạc có chứa 3 thành phần chính là: clenbuterol, ractopamin và salbutamol. Nhóm các hormone tăng trưởng này tồn dư trên thịt lợn có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, như: Có khả năng làm dãn phế quản, kích thích tuyến thượng thận... Ngoài ra, chất clenbuterol còn có thể khiến người sử dụng bị ngộ độc cấp với triệu chứng sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy..., nếu tích lũy trong thời gian dài thì có thể gây ung thư.
Trước nguy cơ bị ngộ độc hoặc có thể gây bệnh từ nguồn thịt không đảm bảo, nhiều chị em nội trợ truyền nhau để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình như mua máy ozone. Loại máy này có thể tẩy một phần các hóa chất độc hại có trong thịt. Tuy nhiên, nhược điểm loại máy này là sau khi cho thịt lợn vào sục bởi máy ozone thì thịt có mùi hắc rất khó chịu, vì vậy dễ gây mất mùi vị đối với thịt.
Các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua thịt lợn quá nạc. Lớp mỡ quá mỏng chưa đến 1cm, giữa lớp mỡ và lớp thịt nạc thường không có độ gắn kết với nhau thì rất có khả năng thịt lợn đó có sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, những loại thịt lợn có màu đỏ tươi bất thường cũng có thể sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng. Điều quan trọng nhất, khi người tiêu dùng mua thịt lợn cần phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, tránh mua phải thịt lợn bệnh, thịt lợn sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng trong quá trình chăn nuôi.
Theo Lao Động