Thép nội ế ẩm, chật vật cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ
Cập nhật lúc 09:15, Thứ bảy, 11/04/2015 (GMT+7)
Sức tiêu thụ thép trong nước 3 tháng đầu năm “ế ẩm”, trong khi phải chật vật cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, khiến các doanh nghiệp trong nước vấp phải khó khăn lớn.
Dù cầu trong nước đang gấp đôi cung, nhưng Bộ Công thương nhận định, năm nay các DN ngành thép sẽ phải cạnh tranh vô cùng gay gắt bởi thép nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam đã được giảm thuế rất nhiều so với trước đó. Khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Hàn Quốc, Nga, Belarus… vào ngành thép Việt Nam. Ngoài ra, việc hàng loạt dây chuyền sản xuất thép dài ra đời như Vinakyoei, Possco SS, Formosa cũng góp phần tăng cung mạnh, tạo áp lực lớn.
Đơn cử như năm 2014, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm 2013, trong đó có đến 4,78 triệu tấn thép Bo. Thép Bo này khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1 - 2 triệu đồng/tấn. Hệ quả là nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất, có nơi đến 60%. Có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải đóng cửa hoặc giải thể.
Ngoài việc nhập quá lớn thép Bo giá rẻ thì một lượng lớn thép phế liệu được nhập trong những tháng đầu năm cũng khiến DN thép “đau đầu”. Số liệu của ngành công thương cho thấy, riêng trong tháng 2/2015, nhập khẩu thép phế liệu đã đạt 201.000 tấn, tăng 13,5% so với tháng trước đó. Tính chung, trong 2 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép phế liệu của Việt Nam đạt 379.000 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu thép phế liệu ở mức khoảng 311,6 USD/tấn.
"Sản xuất thép trong nước vốn đã dư thừa trong khi chưa khai thác hết công suất của các nhà máy thép hiện có, mà vẫn còn một số nhà máy được cấp phép xây dựng, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu. Sự mất cân đối này nằm ở cả số lượng và ở từng chủng loại thép" - cơ quan nghiên cứu của Bộ Công thương đánh giá.
Chưa kể, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 161/2011/TT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2015 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế suất nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim... giảm xuống còn 0%. “Việc cắt giảm sâu thuế quan giai đoạn 2015-2018 sẽ tác động mạnh và tạo ra nhiều thời cơ, thách thức lớn với DN trong nước”- Bộ Công thương nhận định.
Dự báo, thị trường thép sẽ sôi động vào quý 2/2015 khi thời tiết ấm lên và khô hơn, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, giá không có triển vọng tăng do nguồn cung dư thừa, sản lượng tăng, nhập khẩu lớn.
Theo infonet
.