Nếu như vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò làm chấn động toàn châu Âu, thì những phát hiện mới đây về thực phẩm giả đang tràn lan trên toàn thế giới lại một lần nữa làm chấn động địa cầu. Trong một cuộc vây ráp kéo dài 1 tuần hồi năm ngoái, các cơ quan chức năng Pháp đã tịch thu khoảng 100 tấn cá, hải sản và trứng ếch có nguồn gốc được dán nhãn không chính xác, 1,2 tấn nấm bào ngư, 500kg các loại bánh, phô mai Parmesan từ Mỹ và Ai Cập… đều là hàng giả.

 


Ngay cả các cửa hàng thực phẩm nổi tiếng nghiêm ngặt ở Plymouth (Anh) hồi năm ngoái cũng đã bị phạt vì đã bán một loại cá rẻ tiền giả mạo một loại cá cao cấp. Có hàng ngàn hành vi gian lận và các nhà điều tra đang đặt ra câu hỏi về sự xuống cấp của khâu giám sát, quản lý về chất lượng thực phẩm.

Hành vi gian lận phổ biến nhất là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Mới tháng 2 vừa qua, nước Đức rúng động khi khoảng 160 trang trại bị nghi ngờ bán trứng hữu cơ giả, được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo về chất lượng nhưng với giá luôn đắt hơn trứng theo tiêu chuẩn thông thường.

Trong nhiều trường hợp khác, các thành phần rẻ tiền đã được đưa vào các sản phẩm chính hãng để tăng lợi nhuận. Dầu thực phẩm được đưa vào chocolate, các loại nước ép lựu, rượu, cà phê, mật ong hay dầu oliu đều bị pha thêm nước, chất tạo ngọt hoặc những thành phần thay thế khác rẻ tiền hơn. Các chuyên gia thực phẩm nói rằng thậm chí người ta còn phát hiện dầu động cơ trong thành phần của dầu oliu. Mới đây, một nhà hàng Ấn Độ ở Anh đã bị truy tố vì đã “độn” đậu phộng dại vào thành phần bột hạnh nhân, có thể gây nguy hiểm cho những người có nguy cơ bị dị ứng với loại đậu phộng này. Một cách gian lận khác là giả mạo bao bì của các thương hiệu nổi tiếng bằng tiếng nước ngoài. Nó khiến người tiêu dùng tin rằng họ đã có một sản phẩm chính hãng với giá hời. Một báo cáo mới đây của Europol cho biết ngoài các sản phẩm cao cấp có truyền thống giả mạo, các nhóm tội phạm có tổ chức cũng bắt đầu làm giả các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như nước tẩy rửa, thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm cũng bị làm giả.

Mitchell Weinberg, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Inscatech, một công ty tư vấn an ninh lương thực, nhận định: “Khắp thế giới, thực phẩm giả như một đại dịch – giả từ nơi trồng trọt cho đến nước sản xuất”. Ngay cả thực phẩm mang tính tôn giáo cũng không được “miễn dịch” trước đại dịch này. Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm ở Anh vừa đưa ra cảnh báo không nên uống nước Zam Zam, một loại nước thánh của người Hồi giáo lấy từ Saudi Arabia vì các chai nước này bán ở Anh “có thể chứa hàm lượng cao arsenic hoặc nitrat”.

Shaun Kennedy, Phó Giáo sư tại Đại học Minnesota của Mỹ, ước tính rằng 10% thực phẩm mà người tiêu dùng tiêu thụ tại các nước phát triển là pha trộn. Chỉ cần pha loãng 2% chất lượng sản phẩm, lợi nhuận sẽ thu về rất lớn. Điều này lý giải vì sao hoạt động gian lận thực phẩm ngày càng gia tăng và được mạng lưới tội phạm quốc tế tổ chức có quy mô. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng tạp hóa Mỹ, gian lận và làm giả các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm dự kiến sẽ khiến ngành công nghiệp này thiệt hại từ 10 tỷ USD đến 15 tỷ USD/năm.
 

 Theo Hạnh Chi
SGGP

.