|
|
Container chờ phế liệu cấm nhập khẩu bị phát hiện tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) vào tháng 8/2016. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Đại diện Bộ TN&MT cho biết, việc thanh tra toàn diện nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý nhà nước trong việc cấp giấy chứng nhận xử lý phế liệu, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan nếu có sai phạm.
Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức được cấp giấy chứng nhận; thu hồi giấy chứng nhận nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức sản xuất có sử dụng phế liệu nhập khẩu.
Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong nhập khẩu phế liệu.
Theo đó, việc thanh tra sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước với các nội dung chính: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận theo Thông tư số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT và Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức đã được Bộ TN&MT chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thanh tra công tác cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của Tổng cục Môi trường.
Thành phần đoàn thanh tra gồm Thanh tra Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Cục cảnh sát Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định).
Đây là lần thứ hai Bộ TN&MT tổ chức thanh kiểm tra việc nhập khẩu phế liệu. Trước đó, ngay sau khi có thông tin về việc ùn ứ hàng ngàn container phế thải tại các cảng biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu đồng thời rà soát rà soát lại các văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Qua kiểm tra, rà soát, số lượng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được cấp không nhiều nhưng số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng lại quá lớn. Từ năm 2016 đến hết tháng 5/2018, Bộ TN&MT mới chỉ cấp 242 Giấy xác nhận trên phạm vi cả nước. Nhưng có đến hơn 5.700 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển. Tập trung nhiều nhất ở các cảng của TP Hồ Chí Minh.
Trang Thu/Báo Tin tức