Nhắc đến Atisô - loại cây dược liệu quý vừa là thực phẩm có nguồn gốc từ châu Âu, thì người ta thường nghĩ ngay đến địa danh Đà Lạt. Đà Lạt và Atisô, 2 danh từ ấy gắn liền với nhau bởi mặc định trong suy nghĩ bấy lâu của du khách: Đến Đà Lạt phải mua Atisô và muốn dùng những món ngon từ Atisô phải đến Đà Lạt… Thế nhưng, loại cây được xem là đặc sản, “giữ hồn” phố núi ấy vẫn bao phen thăng trầm, loay hoay tìm một chỗ đứng ổn định giữa thị trường khắc nghiệt.
 

Đến phường 12, Tp. Đà Lạt, được coi là “thủ phủ” Atisô của Đà Lạt (chiếm 80% diện tích) vào thời điểm buôn bán sôi động nhất, đa số nhà nông vừa mới thu hoạch và đang bán ra với đủ loại: Thân, rễ, lá, bông Atisô ở dạng khô. “Một mùa Atisô buồn”- đó là câu trả lời của nhiều nhà vườn khi được hỏi về giá cả, lợi nhuận từ việc trồng Atisô năm nay.
 
Ông Nguyễn Văn Lâm (P.12, Tp. Đà Lạt) chia sẻ: “Năm nay giá Atisô thấp lắm, giá bông tươi chỉ 25.000-30.000 đồng/kg, khô chỉ từ 100.000-120.000 đồng/kg khô tùy loại bông xấu hay đẹp, mua tại vườn. Với giá này, nhà vườn chỉ lời chút ít, không bằng trồng bông. Vì thời gian trồng Atisô đến lúc thu bông khô là hơn 6 tháng, thời gian thu hoạch, phân loại, xắt nhỏ và phơi khô các bộ phận thân, rễ, bông cũng mất hơn 1 tháng, cho nên 1 năm chúng tôi chỉ thu nhập từ Atisô một lần, giá cả bấp bênh và thu nhập không bằng trồng bông nên nhiều nhà dần chuyển sang trồng rau, bông hết”.
 
Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết: Hiện phường có khoảng 30ha trồng mới Atisô, sẽ cho thu hoạch vào vụ tới, số này giảm so với những năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do giá cả thấp nên nhiều nhà chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn. Trồng Atisô thì chăm sóc không khó nhưng lâu thu hoạch, vụ mùa kéo dài và đa số canh tác truyền thống (trồng ngoài trời) nên cũng phụ thuộc thời tiết, có năm Atisô vừa xuống giống gặp mưa sớm nên chết hàng loạt, năm thì nắng kéo dài nên thiếu nước, cây phát triển kém, giảm năng suất.
 
Còn nhớ, thời điểm “hoàng kim” 2012-2013, giá Atisô tăng cao đột biến, lên đến hơn 400.000 đồng/kg khô, được nhận định là cao nhất trong vòng 10 năm trở lại. Đến năm 2014, giá Atisô bắt đầu giảm nhẹ, dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg khô do năm trước được mùa nên diện tích tăng vọt, giá hạ xuống. Và đến nay, giá lại xuống quá thấp.
 
Giữa những biến động của thị trường, thì Atisô Đà Lạt vẫn từng bước khẳng định về chất lượng của mình. Hiện Tp. Đà Lạt có đến gần 10 doanh nghiệp sản xuất Atisô chưa kể rất nhiều cơ sở gia công, chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động. Các sản phẩm từ Atisô cũng rất đa dạng, kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng: Ngoài trà Atisô túi lọc, các dạng cao Atisô cũng ngày một phong phú (cao đắng, cao ngọt, cao nước), bông Atisô tươi ở dạng đông lạnh, hay mới lạ như trà lá Atisô tươi của Công ty Dược phẩm Ladophar… Các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu phải kể đến như Ladophar, Thái Bảo, Ngọc Duy, Vĩnh Tiến… đều có trên 10 sản phẩm từ làm Atisô cho khách lựa chọn.
 
Theo thông tin từ Trung tâm Nông nghiệp Tp. Đà Lạt, hiện Đà Lạt đang thực hiện thử nghiệm việc trồng Atisô trong nhà kính, đến nay chỉ mới được 3 tháng nên vẫn chờ kết quả để so sánh về năng suất, chất lượng so với việc trồng truyền thống ngoài trời. Ngoài ra, một số hộ dân tại khu vực phường 8, Đà Lạt cũng đã trồng thành công loại Atisô gieo bằng hạt (thay vì phải trồng bằng cây con) nhưng vẫn chỉ là bước đầu, chưa xác định được hiệu quả kinh tế. Qua những nỗ lực ấy có thể cho thấy Atisô vẫn đang tìm mọi cách phát triển từ giống, hình thức canh tác đến chất lượng.
 
Atisô không chỉ là thương hiệu đặc sản Đà Lạt mà còn là sản phẩm thế mạnh của ngành trà Lâm Đồng - địa phương duy nhất trên cả nước phát triển trà Atisô. Năm 2013, Atisô Đà Lạt trở thành 1 trong 3 sản phẩm của Lâm Đồng được bình chọn trong top 50 đặc sản quà tặng nổi tiếng châu Á (cùng trà B’Lao và mứt Đà Lạt). Và lọt vào top 50 các món ăn, trái cây đặc sản Việt Nam, sách Kỷ lục Việt Nam. Thế nhưng, chưa một lần loại trà ấy được vinh danh xứng đáng tại các mùa Lễ hội trà của Lâm Đồng. Chất lượng ngày một nâng cao, nhưng Atisô Đà Lạt vẫn chưa tìm được một chỗ đứng ổn định, phát triển tự phát, thiếu định hướng.
 
Ông P.N.Ngọc Duy - Giám đốc Công ty trà Atisô Ngọc Duy cho rằng: Những doanh nghiệp trà Atisô vẫn luôn mong đến việc ra đời một Hiệp hội Atisô, giúp các doanh nghiệp liên kết cùng phát triển ngành trà Atisô theo định hướng chung, đưa đặc sản Đà Lạt này vươn xa hơn nữa. Đồng thời, doanh nghiệp và nhà nông cùng “bắt tay” thì thị trường nguyên liệu sẽ ổn định, 2 bên cùng có lợi, giảm rủi ro cho nông dân, tránh được các nhà buôn ở giữa đầu cơ, thao túng thị trường. Các sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ thống nhất, niêm yết giá chung, sẽ giúp bảo vệ nhãn hàng, uy tín thành phố du lịch và quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm thành lập được hiệp hội này vẫn chỉ là mong muốn của doanh nghiệp, để thực hiện được phải cần nhiều bước, nhiều yếu tố nữa.
 
Hiện, Lâm Đồng đã xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu chứng nhận độc quyền sản phẩm như: Hoa Đà Lạt, Diệp hạ châu Cát Tiên, Cà phê Di Linh, Rau Đà Lạt, Trà B’Lao… Nhưng đến bao giờ, Atisô Đà Lạt - thương hiệu đã ghi dấu từ lâu trong lòng du khách về Đà Lạt mới được nằm trong danh mục ấy, thoát khỏi “kiếp” thăng trầm?

 
Theo Báo Lâm Đồng
.