Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, (NNNT) các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng sức đầu tư cho vay chuyển đổi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, giúp người vay gia tăng hiệu quả canh tác, cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

 


Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ 55) có hiệu lực thi hành từ ngày 25-7-2015 (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP) đã bổ sung đối tượng được vay vốn là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; các tổ chức đầu mối là DN, HTX, Liên hiệp HTX tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; mức cho vay có tài sản thế chấp, hoặc không có tài sản bảo đảm được nâng lên gấp 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 41; người vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp được các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay tương ứng…

Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh BR-VT cho biết: Agribank là TCTD luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cho vay NNNT trên các địa bàn. Lãi suất cho vay NNNT được áp dụng thấp hơn cho vay thông thường với mức không quá 7%/năm. Sau 3 tháng thực hiện Nghị định 55, dư nợ cho vay NNNT tại Chi nhánh Agribank BR-VT đến cuối tháng 10-2015 hơn 3.655 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng so với cuối tháng 7-2015 và chiếm 85% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Trong đó, cho vay không có tài sản bảo đảm gần 600 tỷ đồng, chiếm hơn 16% dư nợ cho vay NNNT.

Với những quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác, Nghị định 55 đã khuyến khích các TCTD đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực NNNT. Đến cuối tháng 10-2015, doanh số giải ngân tín dụng phát triển NNNT trên địa bàn BR-VT lũy kế từ đầu năm gần 7.300 tỷ đồng; dư nợ cho vay hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 900 tỷ đồng so với cuối tháng 7-2015 và chiếm 15% tổng dư nợ toàn địa bàn; doanh số giải ngân tín dụng phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới lũy kế từ đầu năm gần 2.200 tỷ đồng, dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau 3 tháng thực hiện Nghị định 55, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị vay mới đầu tư cho các dự án sản xuất chế biến nông sản, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi kỹ thuật canh tác theo hướng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Bà Huỳnh Thị Lắm, nông dân xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) phấn khởi cho hay: “Ngân hàng vừa thông báo chấp thuận cho tôi vay 250 triệu đồng theo quy định của Nghị định 55. Số vốn vay sẽ bổ sung vào nguồn vốn tự có để mua một máy cày, một máy xới phục vụ cho sản xuất của gia đình, kết hợp dịch vụ làm đất, vận chuyển nông sản cho bà con nông dân ở địa phương”.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp và tài chính ngân hàng, Nghị định số 55 ra đời đã tăng sức đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa; hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu… Tuy nhiên, cần mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp, giúp người vay giảm thiểu được rủi ro khi gặp thiên tai, dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, nhằm tạo điều kiện cho người vay tiếp cận vốn thuận lợi và tăng tính phòng ngừa rủi ro cho các TCTD, chính quyền địa phương cần kiểm tra chặt chẽ khi xác nhận các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm cơ sở cho khách hàng được vay tín chấp tại các TCTD.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.