Theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 21/6 tất cả các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng bình ổn giá, áp trần, sẽ buộc phải giảm giá bán lẻ. Ghi nhận của PV Báo CAND từ thị trường cho thấy các DN đã đồng loạt giảm giá sữa theo quy định.
Trong số này, sản phẩm sữa được giảm giá nhiều nhất là Dielac Pedia 1+ HT 900g giảm tới 24%, tương đương giảm 196.000 đồng/lon. Với mức giảm “khủng” như vậy, nếu gia đình nào có em bé là “tín đồ” của Dielac Pedia 1+ HT, mỗi tháng có thể tiết kiệm tới hàng triệu đồng. Chính vì thế, việc giá sữa được áp trần và bị “ép” giảm đã tạo được sự đồng thuận to lớn từ phía dư luận. Theo tìm hiểu riêng của Báo CAND, hiện nay, trong tất cả mọi chi phí khiến cho giá vốn của mặt hàng sữa bị đội lên cao, khâu tiếp thị quảng cáo là “tội đồ” chính. Có DN, số người được gọi là “hoạt náo viên”, mặc những bộ đồ ngộ nghĩnh, nhảy múa gây sự chú ý cho các “thượng đế nhí”, hòng lôi kéo những khách hàng này hướng sử dụng sang sản phẩm của mình lên tới 2.000 người. Tiền để trả lương cho những hoạt náo viên này là những con số rất lớn, mà chỉ tính riêng thuế thu nhập họ phải đóng cho ngân sách Nhà nước hằng năm lên tới 170 tỷ đồng. Con số này nếu đem nhân với 5 DN lớn và một cơ số DN khác, thì hằng năm, 10 triệu trẻ em khi uống sữa phải chi lên tới nhiều nghìn tỷ đồng để trả lương. Đây là một sự thật quá bất cập. DN muốn quảng bá sản phẩm, tự DN phải cân đối, chứ không thể bắt khách hàng cõng gánh nặng tài chính này trên lưng.
Tại siêu thị BigC Thăng Long chiều 21/6, mặc dù có các nhân viên bán hàng tận tình đứng tại quầy hướng dẫn cho khách hàng rằng giá sữa đã chính thức giảm, nhưng lượng khách hàng ghé mua rất thưa thớt. Đáng chú ý, trên kệ hàng, một sản phẩm sữa Friso gold trong danh mục áp trần bắt buộc trống trơn với tấm biển của siêu thị thông báo tạm thời hết hàng. Khi chúng tôi tham khảo giá và chụp ảnh, thì một nhân viên mặc đồng phục ở đây đến chắn ngang và không cho phép chúng tôi tác nghiệp. Dù việc tạm thời hết hàng ở một quầy hàng nào đó trong siêu thị là chuyện hết sức bình thường, nhưng hết đúng nhãn hàng nằm trong danh mục bị áp trần vào ngày giảm giá bắt buộc, và thái độ không cho chụp ảnh ở đây dường như là sự trùng hợp khá hi hữu. Bởi vậy, không ít khách hàng băn khoăn cho rằng, rất có thể, trong tương lai, một số sản phẩm trong danh mục 25 sản phẩm bị áp trần sẽ bị các DN “khai tử”, hay chỉ đơn giản là giở chiêu bài tạo “khan hàng” rồi “đẻ” ra các sản phẩm mới để không bị áp trần.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính cho rằng DN sẽ không dại gì mà làm thế, bởi vì DN khác sẽ lập tức lấp vào chỗ trống ấy; và trong trường hợp ấy, DN cũ sẽ mất thị phần. Nói thêm về các nghi ngại khác về “chiêu” lách trần của các DN, ông Nghĩa cũng cho rằng hiện nay chưa phát hiện tình trạng vi phạm, nhưng nếu có xuất hiện, Bộ Tài chính nhất định sẽ có biện pháp điều chỉnh. Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, việc tuân thủ áp dụng giá trần sữa đó chính là khi DN thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đồng thuận, phối hợp từ cả DN, các cơ quan chức năng và bản thân người tiêu dùng.
Riêng về nghi ngại những cửa hàng bán lẻ sẽ không thực hiện đúng quy định, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết phía cơ quan chức năng sẽ tổ chức ngay các đoàn thanh tra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế,... để rà soát lại giá bán các mặt hàng sữa. Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đó cơ quan này cũng đã công khai bảng giá bán buôn và giá bán lẻ khuyến nghị của 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa có thị phần lớn với 181 sản phẩm. Hiện, mức giá bán lẻ mà các DN khuyến nghị chỉ cao hơn 5-12% giá bán buôn, thấp hơn mức quy định 15% giá bán buôn.
Theo CAND