Bị ám ảnh về các loại thực phẩm ôi thối, thực phẩm bị “tẩm ướp” hóa chất bày bán tràn lan tại chợ khiến không ít người tiêu dùng lo sợ.. Một phong trào săn lùng các loại thực phẩm sạch đang âm thầm diễn ra. Thậm chí, một số người còn góp tiền chung nhau mua con lợn, lập lò mổ để chuyển lên Hà Nội ăn dần.
Chị Bùi Phương Mai (Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ, thời gian trước cứ mỗi lần ra chợ chị lại không biết chọn mua đồ gì về ăn cho đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cái gì cũng được tiểu thương quảng cáo ngon và đảm bảo chất lượng, hàng chuẩn nhưng đằng sau đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn về nhiễm bẩn, ngộ độc và bệnh tật. Mặc dù sợ nhưng không có cách nào khác đành “vừa ăn vừa lo”.
Thời gian này, vấn đề thực phẩm dùng hàng ngày đã được giải quyết. Gia đình chị đã tìm được nguồn cung cấp thực phẩm sạch, chọn mua đồ ở tận quê do người dân tự tay nuôi trồng, thuê người làm giúp rồi mang lên Hà Nội ăn dần trong cả tuần liền
Chị Mai kể, cách đây hơn 3 tháng, hai vợ chồng chị về quê thăm bố mẹ ở Hà Nam. Trong bữa cơm thấy mẹ chị giới thiệu thịt lợn ngon, người ta nuôi nguyên bằng cám gạo với rau, ăn không sợ gì cả.
|
|
Mẹ chị nói, ở quê vân có những nhà nuôi lợn bằng cám gạo và mình có thể kiểm soát được. Nếu cần thì có thể đặt các gia đình nuôi một, hai con. Người cần mua, đặt nuôi thì không thiếu gì. Giá bán cao hơn lợn nuôi công nghiệp nhưng tính ra vẫn rẻ hơn thịt bán ở chợ Hà Nội.
Lên Hà Nội chị kể cho mấy người hàng xóm nghe, họ bảo thịt ngon và đảm bảo vậy hay là cả xóm mấy gia đình góp tiền vào mua chung cả con lợn rồi thuê người giết thịt, thịt xong đóng hộp mang lên Hà Nội bởi đa phần cho rằng giờ ra chợ mua đồ ăn vừa đắt vừa không đảm bảo.
“Sau vài ngày bàn thảo kế hoạch, mọi người đều quyết định chung tiền về quê mua lợn, đặt tiền nhờ người giết thịt rồi đem lên Hà Nội chia nhau theo nhu cầu của từng gia đình”, chị Mai cho hay.
Theo lời chị Mai, mấy tháng nay, 6 gia đình thay phiên nhau, cứ khoảng hai tuần lại về quê mua một con lợn, thuê người giết thịt ở quê với tiền công 400 ngàn đồng/con. Giết thịt xong, xẻ ra thành những miếng nhỏ đóng vào thùng xốp, bảo quản lạnh chuyển lên Hà Nôi để đảm bảo thịt vẫn tươi ngon, còn phần nội tạng của lợn ai cần lấy một phẩn, còn lại cho hết người giết thịt làm đem đi bán kiếm thêm. Được công, được sản phẩm nên họ làm tử tế, sạch sẽ hơn.
Chị Nguyệt hàng xóm cạnh nhà chị Mai cho biết, lợn nuôi từ cám gạo thịt không nhiều nạc bằng nuôi từ cám công nghiệp, phần mỡ nhiều hơn. Tuy nhiên, ăn loại thịt này thơm, ngon hơn rất nhiều. Đặc biệt mua của người quen nên mình biết được nguồn gốc, quá trình nuôi đảm bảo an toàn.
|
|
So với thịt lợn mua tại các chợ ở Hà Nội, thịt lợn mình mua ở quê tính ra giá thành rẻ hơn nhiều. Tùy vào trọng lượng của lợn to hay nhỏ mà các gia đình phải bỏ ra nhưng giá mỗi kg thịt lợn này chỉ bằng 2/3 giá thịt lợn bán lẻ ngoài chợ.
“Có hơi mất công một chút so với mua thịt ngoài chợ, mình phải thường xuyên về quê đi nhờ người đi mua, thuê người giết thịt, đóng gói chuyển lên Hà Nội nhưng đổi lại được sự an toàn, các gia đình được ăn thịt lợn sạch, đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm được tiền”, chị Nguyệt chia sẻ.
Chị Nguyệt còn cho biết, một vài người trên cơ quan nghe chị kể chuyện cũng có ý định rủ mọi người trong khu phố “lập hội săn” đồ ăn sạch.
Vợ chồng anh Thuận, chị Bích ở Phú Đô (Mỹ Đình, HN) từ lâu cũng đã nhờ người gửi thực phẩm từ quê lên Hà Nội. Chị Bích chia sẻ: “Trên này cần gì thì gọi điện về nhà nhờ gia đình mua hộ rồi gửi theo xe ô tô lên. Không thì mỗi lần về quê, tiện thể mình cũng mua luôn đủ thứ từ trứng, cá, thịt… ăn cả tuần không hết”.
“Hàng ở quê mua của người quen rẻ bằng nửa ở Hà Nội, ăn lại yên tâm không lo lắng, nhất là với trẻ nhỏ”, chị Bích nói.
Nắm bắt được xu hướng người dân đang săn tìm các loại thực phẩm sạch để ăn, một số tiểu thương xoay nghề sang bán thêm thực phẩm sạch như lợn quê, trứng gà ta…
Chị Nguyễn Thị Hà chuyên bán thịt lợn gần chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, HN) cho biết, ngoài bán thịt lợn bình thường, thỉnh thoảng có mối bắt được con lợn nuôi bằng cám ở quê chị thường đặt lấy nguyên cả con đem về bán.
Chị cho hay, hôm nào mà có thịt này bán thì phải thông báo cho khách hàng quen biết từ hôm trước, ai muốn lấy thịt thì đặt tiền trước, ngày hôm sau chỉ việc ra lấy.
Theo chị Hà, giá của loại thịt này không rẻ hơn thịt lợn chị lấy ở lò mổ nhưng nhu cầu cao, nhiều người thích ăn mà trung bình một tuần chị chỉ lấy được một con, khi nào may mắn có người báo thì lấy được hai con về bán. Do vậy, không đặt trước sẽ không có hàng.
“Nhiều khách hàng quen, biết thịt lợn chị bán chất lượng, chuẩn nên mỗi lần họ thường mua cả 2-3 kg bảo quản tủ lạnh ăn dần”, chị Hà nói.
Theo Bảo Hân
VietNamNet