Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 19 địa phương có đối tượng hoạt động mại dâm, so với trước thời điểm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003) đã giảm 51,3%.

 


Sau khi ngành chức năng các cấp liên tục kiểm tra, xử lý, các cơ sở kinh doanh có hoạt động mại dâm, kích dục trên đã bị đình chỉ kinh doanh hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Bên cạnh đó, đã có 409 lượt người từng hành nghề mại dâm được đưa vào Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh để chữa bệnh, dạy nghề, tạo cuộc sống ổn định sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), cho biết nhiều năm qua, khu vực cầu Đồng Nai thuộc địa phận của phường có hơn 20 quán cà phê “đèn mờ” có biểu hiện hoạt động mại dâm, kích dục. Nhưng từ giữa năm 2012 đến nay, lãnh đạo phường đã chỉ đạo công an, các cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của phường kiểm tra và xử lý các cơ sở nói trên, nên hiện tượng cà phê “đèn mờ” gần cầu Đồng Nai đã không còn. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, như: mật phục, cài cắm người vào đường dây hoạt động mại dâm…, Công an phường Long Bình Tân đã bắt quả tang nhiều vụ tiếp viên quán cà phê đang có hành vi kích dục và xử lý mạnh tay.

Cuộc chiến gian nan

Sau nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý, các chủ chứa đã cẩn thận ngụy trang hoạt động mại dâm dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Ngoài việc thỏa thuận trực tiếp với khách, chủ chứa còn sử dụng điện thoại di động để liên lạc; sau khi thỏa thuận được giá cả, chủ chứa sẽ cho người chở gái bán dâm đến điểm hẹn nên rất khó để cơ quan chức năng triệt phá.

Riêng các chủ quán cà phê, karaoke có biểu hiện hoạt động không lành mạnh thường trao đổi nhân viên với nhau để câu kéo khách hàng, không để họ cảm thấy nhàm chán. Điều này rất khó ngăn chặn vì các quán cà phê thường rất gần nhau, khi có đoàn kiểm tra thì các nhân viên trao đổi đều trở lại quán cũ.

Tại TP.Biên Hòa, trong 10 năm qua, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra trên 2 ngàn cơ sở kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm, trong đó có gần 900 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động của 34 cơ sở, thu hồi giấy phép 9 cơ sở và xử phạt số tiền 1,8 tỷ đồng.

Theo lời Thượng tá Trần Văn Xuân, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh), lực lượng làm công tác nghiệp vụ hiện nay còn khá mỏng, trình độ còn hạn chế nên hiệu quả đấu tranh, triệt phá hoạt động mại dâm không cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan chưa được duy trì thường xuyên, quá trình triển khai thực hiện còn mang tính hình thức.

 “Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm ở một số địa phương chưa được lãnh đạo các cấp chú trọng, biện pháp thực hiện thiếu kiên quyết, chưa hiệu quả. Việc huy động cộng đồng khu dân cư tham gia công tác này còn kém, công tác quản lý nhân hộ khẩu, nhất là đăng ký tạm trú của lao động nữ ngoài tỉnh còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc ngăn chặn hoạt động mại dâm. Sắp tới, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tiến hành rà soát các cơ sở kinh doanh nhạy cảm trên toàn tỉnh; khoanh vùng từng địa phương để tập trung lực lượng giải quyết triệt để, làm lành mạnh hóa địa bàn” - bà Lê Thị Mỹ Phượng cho biết.

 

Theo Báo Đồng Nai

.