Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ôtô. Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ôtô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy... Chưa có năm nào thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021.

leftcenterrightdel
Theo Bộ Tài chính, dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng trên 20.000 tỉ đồng đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là căn cứ vào các quy định nêu trên và thuộc thẩm quyền của Chính phủ và việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022 đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước, và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với số thuế phải nộp của kỳ tính thuế thuế tháng 6, 7, 8, và 9 năm 2022. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của tháng 6,7,8 và 9 chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Cũng theo Bộ Tài chính, do là giải pháp cấp bách trong thời gian ngắn, không phải là nghị định bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế, nên để đảm bảo tính chặt chẽ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định sau khi gia hạn theo nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước theo Nghị quyết số 11/NQ CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB năm 2022 theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn luân chuyển qua các tháng của 4 kỳ (từ tháng 6 đến tháng 9) là khoảng 9.300-11.400 tỉ đồng. Trong đó, số tiền thuế của tháng 6 được gia hạn 4 tháng, của tháng 7 được gia hạn 3 tháng, của tháng 8 được gia hạn 2 tháng, của tháng 9 được gia hạn 1 tháng.

Như vậy, tổng số tháng được gia hạn là 10 tháng, với số tiền bình quân trên 2.000 tỉ đồng/tháng thì tương ứng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng trên 20.000 tỉ đồng.

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, việc gia hạn chỉ được thực hiện trong năm 2022 để không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay.

Minh Nhật