Thời điểm này, nhiều cửa hàng bánh trung thu đã xuất hiện trên các tuyến đường lớn ở khu vực thành phố Tây Ninh và thị trấn Hoà Thành. Thị trường bánh trung thu năm nay cũng tập trung vào các nhãn hiệu quen thuộc như Kinh Ðô, Như Lan, Girval, Tân Huê Viên… với ba loại bánh cơ bản là bánh trung thu truyền thống, bánh trung thu dinh dưỡng và bánh trung thu cao cấp.
 
 
 
Nhìn chung, giá bánh trung thu năm nay không có nhiều biến động so với các năm trước. Bánh Kinh Ðô giá có tăng nhưng không nhiều, chỉ từ 3.000 - 10.000 đồng/chiếc. Các thương hiệu còn lại giá không thay đổi. Mức giá dao động cho các sản phẩm bình dân, tính tới thời điểm này vẫn là 40.000 - 70.000 đồng/cái tuỳ theo trọng lượng và nhân bánh. Các sản phẩm cao cấp giá từ 1 đến 3 triệu đồng/hộp.
 
Mùa trung thu năm nay, Kinh Ðô tiếp tục đa dạng hoá các dòng sản phẩm bánh trung thu phục vụ người tiêu dùng với 63 loại bánh, mức giá dao động từ 40.000 đồng cho tới 470.000 đồng/cái. 
 
Theo chị Nguyễn Thị Xuyến, 23 tuổi, nhân viên một cửa hàng bánh trung thu Kinh Ðô trên đường Hùng Vương, huyện Hoà Thành, trong mùa trung thu này, ngoài 4 dòng sản phẩm chính gồm: bánh nướng, bánh dẻo truyền thống; bánh trung thu cao cấp Trăng Vàng; bánh trung thu Xanh và bánh thiếu nhi,  Kinh Ðô còn cho ra mắt loại bánh trung thu Oreo hiện đại, độc đáo. Mỗi hộp bánh gồm 6 cái với 4 hương vị hấp dẫn: chocolate sữa, cappuccino, brownie chocolate và mứt dâu tây. Giá bán lẻ là 550.000 đồng/hộp.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân Hiếu, 49 tuổi, chủ cửa hàng bánh trung thu trên đường Võ Thị Sáu, phường 3 (TP. Tây Ninh) giới thiệu, năm nay, chị bán 5 loại bánh chủ yếu: Kinh Ðô, Givral, Tân Huê Viên, Như Lan và Ðại Phát. Trong đó, Givral là thương hiệu mới nổi vài năm gần đây nhưng được khá nhiều người ưa chuộng; ngoài danh sách các loại bánh truyền thống chính, Givral còn cho ra đời dòng bánh trung thu tỏi đen đặc biệt với bốn vị vi cá, gà quay, đậu xanh và đậu đen; giá cả dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/cái.
 
Chị Hiếu cho biết thêm, đây là dòng sản phẩm khách hàng chọn mua chủ yếu để tặng, vì giá cả khá cao so với các loại bánh thương hiệu khác.
 
Sản phẩm đa dạng là thế, nhưng tình hình kinh doanh của các cửa hàng bánh trung thu trong thời điểm hiện tại còn khá chậm. Ngoài mặt hàng bánh trung thu, các cửa hàng bắt đầu bán đèn lồng cho trẻ em với nhiều mẫu mã và chất liệu khác nhau: lồng đèn truyền thống, lồng đèn sáng tạo, lồng đèn điện tử... Nhìn chung, các sản phẩm lồng đèn Việt ngày càng được phổ biến và ưa chuộng hơn so với lồng đèn có xuất xứ Trung Quốc. Giá trung bình từ 30 đến 50.000 đồng/chiếc.
 
Hằng năm, cứ đến tầm giữa tháng 6 âm lịch, các hoạt động chào bán bánh trung thu trên mạng xã hội ngày càng rầm rộ. Ðể thu hút khách hàng, những người bán cạnh tranh nhau bằng các công thức làm bánh mới lạ, sáng tạo và chú ý việc bổ sung các nguyên liệu bổ dưỡng cho sức khoẻ.
 
Chị Huỳnh Kim Thanh, 31 tuổi, nhà ở huyện Hoà Thành bán bánh trung thu online quảng cáo rằng: bánh trung thu nhà chị làm ra bằng nguyên liệu sạch, bảo đảm vệ sinh và hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản. Vì vậy, bánh chỉ sử dụng được trong vòng 7 ngày. Do đó, khách hàng đặt đến đâu thì chị làm đến đó, không làm đại trà.
 
Bánh trung thu sản xuất kiểu handmade (thủ công) được chào bán với giá khá “mềm”, chỉ từ 40.000 - 80.000 đồng/cái. Tuy giá cả tương đương với loại bánh bình dân của các thương hiệu lớn nhưng do ưa thích mẫu mã mới lạ và tin tưởng người bán nên nhiều người vẫn đặt mua bánh online từ các cửa hàng trên mạng xã hội.
 
Theo Ngọc Bích (Báo Tây Ninh)
.