Theo đó, các khoản mà công ty TNHH Grab (Grab) buộc phải thi hành gồm tiền bồi thường thiệt hại cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng. Ngoài ra Grab còn phải hoàn trả cho Vinasun 347 triệu đồng chi phí giám định.

Năm 2017, Vinasun khởi kiện Grab yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 41 tỉ đồng. Trong đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 về việc kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là đề án 24), Grab đã có nhiều hành vi "vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh taxi", gây náo loạn thị trường, cố tình thực hiện trái đề án 24. Hành vi của Grab gây thiệt hại trực tiếp cho Vinasun.

leftcenterrightdel
Đại diện Vinasun tại tòa. 

Phía Grab cho rằng vụ án này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP HCM nên đề nghị đình chỉ vụ án và bác toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun.

Tháng 12/2018, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Vinasun. Qua đó, tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng.

Sau bản án sơ thẩm, Grab kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, Vinasun kháng cáo yêu cầu Grab bồi thường thêm số tiền 46,3 tỉ đồng.

Tháng 3/2020, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng cách thức kinh doanh của Grab không phải là cung cấp kết nối hành khách và lái xe theo đề án 24, mà là kinh doanh vận tải taxi.

Bản án cấp phúc thẩm nhận định: Trong bối cảnh cách mạng 4.0, Grab đã mang đến một hình thức kinh doanh mới - kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, giúp người lao động có thêm thu nhập và người sử dụng dịch vụ có thêm sự lựa chọn. Lợi ích mà Grab từng mang lại cho người tiêu dùng và thị trường vận tải là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, hình thức kinh doanh trên đã biến tướng, "núp bóng" mô hình kinh tế chia sẻ, điều này đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội nói chung và các doanh nghiệp taxi truyền thống nói riêng. Bởi vì, Grab không phải chịu đóng thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi truyền thống, không phải gắn logo, không bị kê giá, không phải đóng bảo hiểm lao động./.

Tuấn Anh