Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” của Bộ Chính trị, đã có nhiều hội chợ hàng Việt, đưa hàng về nông thôn… được tổ chức. Thế nhưng, cơ hội để quảng bá hàng Việt dường như chưa được khai thác một cách hiệu quả từ kênh này.
Hội chợ Hàng Việt 2013 diễn ra tại Hà Nội từ 11 đến 15-9 là hội chợ có quy mô lớn nhất và lần đầu tiên tổ chức tại TP. Hà Nội. Hội chợ có 220 gian hàng, đa dạng và phong phú về sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu Hàng Việt đang không ngừng tăng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Nhiều DN sản xuất hàng hóa Việt Nam lớn trong nhiều lĩnh vực thiết yếu và công nghiệp chủ lực của cả Hà Nội và TP. HCM tham gia như: Hapro, Big C, Biti’s, Hanosimex, May 10, Happy Cook, Sunhouse, Goldsun, Vissan, bột giặt Lix, Sao Thái Dương, xe đạp Thống Nhất…
“Nội quy” tham gia hội chợ này là các DN nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại; thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo số lượng, chất lượng, xuất xứ hàng hóa bày bán tại hội chợ; niêm yết giá cả rõ ràng, bán đúng giá, công khai và thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến mại; đảm bảo văn minh thương mại và không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại hội chợ.
Tuy nhiên, khi tham quan hội chợ, rất dễ nhầm lẫn với các hội chợ khác bởi hàng hóa trưng bày tại hội chợ không có điểm nhấn. Gian hàng trưng bày của Công ty Sunhouse khá nhiều mặt hàng được giảm giá từ 20 đến 30%, thậm chí còn cao hơn nữa. Với mức giảm giá “khủng” như vậy, người tiêu dùng không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi rằng “đây là hàng kém chất lượng, hàng hết date?”. Bên cạnh những gian hàng của nhiều DN sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, theo đánh giá của chúng tôi, còn có một số gian hàng trưng bày hàng gia công, hàng kém chất lượng như quần áo, giày dép…, thậm chí có cả hàng handmade nhưng mang thương hiệu Thái Lan.
Có lẽ, những hình ảnh này không chỉ có ở riêng hội chợ hàng Việt mà còn rất dễ gặp ở nhiều hội chợ khác. Đặc biệt, tại nhiều hội chợ, nhất là những hội chợ ở vùng nông thôn, có thể nhìn thấy rõ sự thống lĩnh của hàng Trung Quốc với sự phong phú, đa dạng về mẫu mã. Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, những mặt hàng càng bán chạy, càng nổi tiếng thì càng nhanh chóng bị làm giả. Hàng giả đang lưu hành trên thị trường một phần do các lò gia công tại Việt Nam chế tác lại, một phần được sản xuất nhái ở nước ngoài rồi mang về Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh tiếng sản phẩm thật cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chiếm “đất” cho hàng Việt
Theo Bộ Công Thương, từ khi Bộ Chính trị triển khai cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, thị trường trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Số DN có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng lên. Trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn từ 80 đến 90% là hàng sản xuất trong nước (hệ thống siêu thị Big C tỷ lệ là 90%, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op có tỷ lệ tới gần 95%, hệ thống siêu thị Vinatex mart 100% là hàng sản xuất trong nước). Thế nhưng, những con số trên mới chỉ là bề nổi, còn “tảng băng chìm” về thực trạng hàng giả, hàng nhái đang khiến cho nhiều DN sản xuất hàng Việt “đau đầu”.
Một vị đại diện của Tổng công ty May 10 chia sẻ rằng, mỗi năm DN chi hàng tỷ đồng để “chiến đấu” với hàng giả nhưng không thấm tháp vào đâu. Trên thực tế, ở các thành phố lớn, người tiêu dùng hiểu biết hơn nên hàng giả ít “đất sống”. Nhưng ở các vùng nông thôn, hàng giả tràn lan trong khi sự kiểm soát của lực lượng chức năng tại các khu vực này lỏng lẻo và nhận thức người dân chưa cao.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp cộng với việc hàng giả, hàng nhái tràn lan, việc tham gia các hội chợ, triển lãm cũng là cách để các DN tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá sản phẩm. Dẫu vậy, nếu việc tham gia hội chợ, triển lãm vẫn chỉ dừng ở việc bán hàng khuyến mại, bán hàng nhái thì có lẽ hàng Việt khó có thể tăng thị phần của mình và thị trường nông thôn được cho là tiềm năng vẫn sẽ là đất sống cho hàng giả, hàng nhái lộng hành.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, một trong những giải pháp để thực hiện cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là tuyên truyền cho DN sản xuất được nhiều sản phẩm hàng hóa có mẫu mã, giá thành tốt hơn, tuyên truyền người tiêu dùng hướng tới ưu tiên dùng hàng xuất xứ từ Việt Nam. Đây có lẽ cũng là cách mà nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng khuyến cáo thực hiện.
Nhưng thiết nghĩ, việc sàng lọc hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm, đồng thời có quy định, chế tài nghiêm ngặt đối với những đơn vị cố tình bán hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng là cách để tuyên truyền cho hàng Việt, để DN cũng như người tiêu dùng yên tâm khi tiếp cận kênh quảng bá này.
Theo Báo Hải Quan