leftcenterrightdel
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, việc triển khai cam kết đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong gần 2 năm qua, Tổng cục QLTT thường xuyên quan tâm và bám sát các giải pháp đưa ra trong cuộc triệu tập đột xuất ngày 29/11/2021 để triển khai thực hiện. Điển hình như, trong công tác đào tạo tập huấn, Tổng cục thường xuyên, liên tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn lực lượng cũng như tập huấn theo từng khu vực; Việc ứng dụng CNTT cũng được thể hiện rất rõ, chỉ 3 tháng sau ngày ký cam kết, ngày 01/02/2022 toàn lực lượng QLTT chính thức áp dụng hệ thống INS, hiện hệ thống đã đi vào ổn định, được coi là “linh hồn của lực lượng QLTT”.

Cũng theo ông Linh, việc ứng dụng hệ thống INS đã tạo ra sự thay đổi cho toàn lực lượng. Tổng cục QLTT tự hào đi tiên phong về chuyển đổi số trong Bộ Công thương, thậm chí là so với cả các lực lượng chức năng khác. Trong thời gian tới, hệ thống tiếp tục tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia, thanh toán trực tuyến, chữ ký số.

Đặc biệt, việc triển khai cam kết đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm, công khai dân chủ, có ý thức hơn với vai trò của người đứng đầu, từ lãnh đạo Cục đến lãnh đạo cấp Phòng, cấp Đội trong lực lượng QLTT.

Tổng cục QLTT cũng đã xây dựng nhiều quy trình, quy chuẩn, minh chứng là việc triển khai tiêu chí đánh giá cấp Cục trong năm 2022. Bước sang năm 2023, Tổng cục tiếp tục ban hành quy chuẩn đánh giá cấp Đội nhằm tạo ra sự công khai minh bạch, tạo áp lực cho các Đội làm việc có tinh thần trách nhiệm hơn thay vì đánh giá mang tính hình thức như những năm trước đây…

Về trình độ chuyên môn, việc kiểm tra sát hạch được Tổng cục QLTT thực hiện thường xuyên. Năm 2023 là năm thứ 3 Tổng cục tổ chức sát hạch về chuyên môn nghiệp vụ cho Lãnh đạo, công chức lực lượng QLTT. Tổng cục thường xuyên đổi mới phương sát hạch để công chức chủ động trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng. Trong năm 2023, Tổng cục chỉ công bố ngân hàng gồm 700 câu hỏi, không công bố đáp án. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị có công chức đạt kết quả cao trong kỳ sát hạch. Điển hình như Cục QLTT tỉnh Tiền Giang có 47/53 công chức thi đạt loại giỏi, 31/47 người đạt loại giỏi đạt điểm tối đa 60/60, chỉ có 6 người đạt loại khá với mức điểm 54/60 điểm.

Bên cạnh Tiền Giang, nhiều đơn vị có tỷ lệ công chức đạt loại giỏi cao như Thái Nguyên, Quảng Bình, Bình Phước, Nam Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum. Nhiều công chức vượt qua bài thi đạt điểm tối đa với thời gian kỷ lục, từ 4-5 phút cho 60 câu hỏi.

leftcenterrightdel
 Thời gian tới, QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Ông Trần Hữu Linh đánh giá, đây là hoạt động chuyên môn quan trọng để xây dựng lực lượng. Muốn có một lực lượng mạnh thì cán bộ phải giỏi, trình độ chuyên môn phải tốt. Hơn nữa, việc kiểm tra là hình thức nâng cao trình độ chuyên môn, nếu cần có thể xem xét để điều động, đề bạt, luân chuyển cán bộ dù không nằm trong tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Đây là thước đo rất quan trọng. Đồng thời đề nghị các đơn vị quan tâm làm sao tạo ra phong trào học tập thi đua để nâng cao trình độ chuyên môn.

Song ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau gần 2 năm, tình trạng đơn thư trong lực lượng QLTT vẫn chưa giảm; trình độ chuyên môn của lực lượng vẫn còn yếu và chưa đồng đều; tỷ lệ hồ sơ sai sót trong xử phạt vi phạm hành chính còn cao; công tác thanh tra kiểm tra còn mang tính hình thức; vẫn còn hiện tượng công chức có hành vi nhũng nhiễu, vi phạm trong kê khai tài sản, vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra, đạo đức công vụ...

Vì vậy, theo ông Trần Hữu Linh, thời gian tới, toàn lực lượng QLTT cần làm việc dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó, việc giao chỉ tiêu cho các đơn vị cũng là tiêu chuẩn hóa mang tính chất công bằng, xây dựng bộ tiêu chí để công khai minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tránh bệnh thành tích; quy trách nhiệm “ai sai đến đâu quy trách nhiệm đến đó”.

So với bản cam kết được ký cuối tháng 11 năm 2021, đến nay đã có nhiều sự thay đổi về thủ trưởng các đơn vị trong lực lượng QLTT. Cụ thể, sau gần 2 năm, đã có 19 gương mặt lãnh đạo mới ở các Cục QLTT địa phương. Dự kiến, cuối năm con số này sẽ tăng lên 25. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo mới không phải người địa phương. “Đây là quyết tâm lớn của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Công thương cũng như Lãnh đạo Tổng cục QLTT thực hiện kế hoạch đã đề ra trong việc sắp xếp, luân chuyển điều động cán bộ không phải người tại chỗ”- ông Linh cho hay.

Tại buổi sơ kết vừa qua, toàn bộ thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục QLTT tiếp tục thực hiện ký cam kết “2 đi đầu, 3 cam kết” với Tổng Cục trưởng. Bản cam kết đã được điều chỉnh so với nội dung đã ký cách đây 2 năm. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đi đầu, làm gương trong việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những việc công chức không được làm; thực hiện Quy tắc ứng xử; thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định; quyết liệt thực hiện và triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đơn vị theo quy định và chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT. Đi đầu, làm gương trong việc duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Ông cũng đề nghị thủ trưởng các đơn vị trong Tổng cục QLTT ý thức được nhiệm vụ của bản thân, kỳ vọng và đòi hỏi của Bộ Công thương, của Tổng cục, doanh nghiệp, người dân và xã hội về hoạt động của lực lượng QLTT từ đó cụ thể hóa trách nhiệm trong các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương triển khai ký cam kết ở cơ sở để người đứng đầu các đơn vị cấp Phòng, Đội ý thức được nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần trong toàn lực lượng để quy chuẩn hóa các quy trình triển khai nghiệp vụ, công khai minh bạch, xử phạt nghiêm minh, tạo môi trường công bằng, bình đẳng.

PV