Nông dân Tiền Giang, Long An đổ xô trồng thanh long
Cập nhật lúc 12:13, Thứ năm, 16/05/2013 (GMT+7)
Thấy nhiều người trồng thanh long phất lên, nhiều nông dân ở Tiền Giang và Long An đã đổ xô lên liếp trồng thanh long, kể cả ngoài vùng quy hoạch mà không cần biết thị trường thế nào. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thấy nhiều người trồng thanh long phất lên, nhiều nông dân ở Tiền Giang và Long An đã đổ xô lên liếp trồng thanh long, kể cả ngoài vùng quy hoạch mà không cần biết thị trường thế nào.
[links()]
|
Ông Nguyễn Văn Ngoảnh (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cuốc đất trồng thêm 1.000m2 thanh long - Ảnh: Ngọc Tài |
Những ngày này đến vùng chuyên canh trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) rất dễ thấy trên các cánh đồng cảnh đào đất lên liếp, xây trụ bêtông để trồng thanh long xôm tụ. Không chỉ trong vùng quy hoạch trồng thanh long, nông dân ở những xã nằm ngoài quy hoạch cũng đua nhau trồng với hi vọng đổi đời.
Tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo hiện có cả trăm thửa ruộng trồng thanh long. Ông Nguyễn Văn Ngoảnh tất bật cày cuốc thửa ruộng của mình để trồng thêm 1.000m2 thanh long. “Tui tính phá bỏ toàn bộ 7.000m2 lúa còn lại để trồng thanh long, nhưng không đủ vốn đầu tư nên trồng một ít, sau đó có tiền thì lên liếp trồng nữa” - ông Ngoảnh nói. Ông kể vụ vừa rồi 2.000m2 thanh long của ông thu lãi được hơn 30 triệu đồng. Ông lạc quan: “Vùng này khô hạn dữ lắm, muốn trồng thanh long thì phải bơm chuyền nhiều cấp mới có nước tưới. Nhưng không sao, cực chút mà có lời nhiều là được”. Cạnh đó, nhiều thửa ruộng khác cũng đang được đào đất lên liếp trồng thanh long.
Xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo nằm trong quy hoạch phát triển thanh long của huyện nên có rất nhiều người dân trồng thanh long. Bà Huỳnh Thị Đoạn đã quyết định bỏ “nghề” trồng nếp bè mà chuyển hết 1ha sang trồng thanh long. Hiện tại thanh long còn nhỏ nên bà trồng xen cà pháo nhằm lấy ngắn nuôi dài.
Theo ông Nguyễn Văn Tám - trưởng Phòng NN&PTNT Chợ Gạo, diện tích thanh long của huyện hiện nay khoảng 3.500ha, tăng tới 1.900ha so với năm 2009. Huyện quy hoạch đến năm 2015 sẽ trồng 4.000-5.000ha. Hiện đã ghi nhận gần chục hecta nằm ngoài vùng quy hoạch, và con số này ngày càng tăng do người dân thấy giá thanh long cao nên đổ xô trồng mà không nghĩ tới việc sẽ thiếu nước tưới, không có điện để xử lý ra hoa. Ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo chứ không thể ép dân không được trồng.
Còn tại Long An, diện tích thanh long của tỉnh đã lên đến 2.100ha, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010. Theo kế hoạch của tỉnh này, năm 2015 diện tích thanh long sẽ dừng lại ở con số 1.500ha, nhưng đến nay đã vượt xa con số này.
Theo thống kê của Viện Cây ăn quả miền Nam, ngoài ba tỉnh có diện tích thanh long lớn là Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, thanh long còn được trồng rải rác ở 27 tỉnh thành khác. Chưa rõ thị trường tiêu thụ tới đây thế nào trong khi diện tích cứ tăng nhanh là điều rất đáng lo ngại.
Theo tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, mặc dù hơn 40% kim ngạch xuất khẩu trái cây VN là từ thanh long, nhưng có đến 77% thanh long VN xuất sang Trung Quốc và chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch. Trong khi đó, những thị trường khó tính, giá bán rất cao và có tiềm năng phát triển như Mỹ chỉ chiếm 3%, châu Âu 4%, Nhật 1,5%. “Điều đáng lo ngại hiện nay là Trung Quốc đã trồng khoảng 20.000ha thanh long, tương đương với tổng diện tích thanh long ở VN. Khi diện tích thanh long ở Trung Quốc cho thu hoạch thì chắc chắn chúng ta sẽ bị mất thị trường này và các thị trường khác cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Nếu chất lượng thanh long VN không cao, không đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP thì sẽ rất gay go” - ông Lập cảnh báo.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết việc phát triển diện tích một cách tự phát sẽ tìm ẩn nhiều nguy cơ. Đến giờ diện tích thanh long của tỉnh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ mới vài chục hecta, khó lòng xuất sang các nước khó tính với số lượng lớn. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn để tăng cạnh tranh. Mặt khác, các ngành liên quan cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường để chuẩn bị thay thế thị trường Trung Quốc” - ông Đức nói.
Trà Vinh: Hỗ trợ dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ 2,5 tỉ đồng để xây dựng mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn VN về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) từ nay đến năm 2015. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn này khoảng 10ha.
Theo đó, ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ thành lập 2-3 tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất ra khoảng 3.500 tấn/năm. Thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn sẽ được xuất khẩu. |
Theo Ngọc Tài - Q.D.
Tuổi trẻ