Tình trạng cá tầm nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc rồi núp dưới mác cá tầm Việt Nam đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất cá tầm trong nước trước nguy cơ “chết yểu”.

 


Ngắc ngoải cá tầm nội

Những ngày gần đây, tại Hà Nội, cơ quan công an, quản lý thị trường liên tục bắt giữ các vụ nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc vào nội địa. Chỉ trong một tuần ra quân từ ngày 26/4 - 1/5/2013, các trinh sát thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) đã phát hiện 6 ô tô tải vận chuyển hàng tấn cá tầm, cá quả, cá trê giống, cá chình, ếch lậu của Trung Quốc. Chỉ riêng trong ngày 29/4, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 3 chuyến xe chở cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc với tổng số lượng gần 2 tấn.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chỉ trong tháng 4 và đầu tháng 5/2013, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng như các tỉnh đã bắt giữ gần 20 tấn cá, ốc, ếch nhập lậu từ Trung Quốc.

Nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu cá tầm ngày càng gia tăng là do giá cá tầm Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với cá tầm Việt Nam, nên nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận.

Trong khi cá tầm được các doanh nghiệp trong nước nuôi ở những nơi có điều kiện khí hậu đặc biệt như Lâm Đồng, Sa Pa (Lào Cai), Sơn La, Hòa Bình... được bán với giá từ 180.000 - 250.000 đồng/kg thì giá cá nhập lậu tại chợ đầu mối chỉ từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, còn nhập ở biên giới chỉ 50.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí cá chết ướp lạnh chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Phú, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Thủy sản cho biết: “Giá cá tầm nhập lậu rẻ hơn nhiều so với cá tầm Việt Nam do được nuôi trong môi trường công nghiệp với nguồn thức ăn có hàm lượng tăng trọng cao, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, đây không phải là loại cá tầm có giá trị kinh tế cao như cá tầm Beluga (Nga) và Siberia, mà chủ yếu là loại cá có nguồn gốc xuất xứ khác”.

Còn theo các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước, cá tầm nội địa không thể cạnh tranh được về giá với cá tầm Trung Quốc nhập lậu là do hiện nay Trung Quốc đã làm chủ công nghệ nuôi cá tầm từ con giống đến thức ăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt Nam vẫn phải nhập con giống từ Nga, thức ăn thì phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài…

Cá tầm trong nước phải cố vươn lên

Sau 9 năm kể từ ngày được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đến nay, cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền, trong đó nhiều nhất là tại Lâm Đồng. Sản lượng cá tầm dự kiến đạt 900 tấn trong năm 2013, trong đó Lâm Đồng đạt 450 tấn, các tỉnh miền núi phía Bắc 250 tấn, miền Nam và Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn.

Cá tầm là loài cá đặc sản, được nhiều người ưa chuộng và người nuôi đang có lãi. Nhưng hiện nay, cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào nước ta bằng cả đường bộ lẫn đường thủy cả chục tấn mỗi ngày, với giá chỉ bằng 1/3 cá nội khiến hàng chục doanh nghiệp nuôi cá trong nước “chưa kịp lớn” đã phải “sống dở chết dở”.

Theo đó, nếu không có những hàng động quyết liệt ngăn chặn cá tầm lậu thì chẳng bao lâu, nghề nuôi cá tầm nói riêng, cá nước lạnh nói chung ở Việt Nam sẽ chết yểu.

TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết: “Việc nhập lậu cá tầm khiến giá cá tầm Việt Nam bị kéo xuống, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước. Hội nghề cá Việt Nam đã có những kiến nghị mạnh mẽ với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu để cá nhập lậu không có chỗ đứng”.

“Tuy nhiên, sản xuất cá tầm trong nước cũng cần tăng cường các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cá nuôi đạt chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường quản lý chất lượng con giống, vệ sinh an toàn thực phẩm... đảm bảo cho người dân tin tưởng về chất lượng của cá tầm nội địa”, ông Thắng cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức (chuyên sản xuất, kinh doanh cá tầm thương phẩm tại huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc): “Để giải quyết tình trạng này, Hải quan Việt Nam cần kiểm soát chặt việc đưa cá qua các cửa khẩu. Song song với đó, lực lượng biên phòng phải thường xuyên tuần tra đoạn đường biên giới tập kết, trung chuyển cá lậu vào. Tăng cường lực lượng cho các trạm, chốt kiểm dịch dọc đường. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường cần mạnh tay xử lý các cơ sở buôn bán thủy hải sản, trong đó có cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần hỗ trợ cho người nuôi cá tầm, xây dựng mô hình điểm, tiến tới đăng ký thương hiệu cá tầm cho từng vùng. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận ra sự khác biệt giữa cá tầm nhập lậu và cá tầm Việt Nam cũng là việc cần làm”, ông Cử đề xuất thêm.

Sao Mai
Theo TBKTSG

.