Buộc phải chỉnh sửa nhiều tiêu chí “tréo ngoe”     

Dự án Nâng cấp đường vào Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng có mức đầu tư gần 170 tỷ đồng, trong đó có vốn vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Tuyến đường với tổng chiều dài hơn 17km, có điểm đầu tại Km0+507 thuộc xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ và điểm cuối tại Km17+975 đấu nối với Tỉnh lộ 141 Nà Nhạn - Mường Phăng.

Để tiến hành lựa chọn được đơn vị thi công, UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho Ban thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng tỉnh Điện Biên (Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên) là đơn vị đứng ra làm Bên mời thầu.

Tuy nhiên, ngay khi Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nhiều nhà thầu đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại nhiều tiêu chí cho phù hợp với Luật Đấu thầu và Hướng dẫn mua sắm, HSMT xây lắp đấu thầu cạnh tranh trong nước do ADB phát hành, trong đó, có tiêu chí: Về kết quả hoạt động tài chính, Bên mời thầu yêu cầu nộp văn bản có xác nhận cơ quan quản lý thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đến hết quý I/2018 và xác nhận trong quá khứ chưa từng vi phạm hành vi nộp chậm thuế.

Về tiêu chí này, lẽ ra đơn vị dự thầu chỉ cần nộp văn bản có xác nhận của cơ quan quản lý thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong 3 năm trở lại đây (2015, 2016, 2017 và đến hết Quý 1/2018); HSMT cần bỏ cụm từ “xác nhận quá khứ chưa từng vi phạm hành vi chậm nộp thuế” bởi để xác nhận được nội dung này, cơ quan thuế mất rất nhiều thời gian. Cán bộ theo dõi thuế của doanh nghiệp cũng thay đổi theo thời gian. Điều này thực sự khó với những doanh nghiệp được thành lập từ những năm 1990, cũng như trái với tiêu chí đưa ra của nhà tài trợ ADB, vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/3/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu: “Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Các đơn vị mua HSMT cũng kiến nghị sửa đổi hàng loạt các tiêu chí khác liên quan đến: Đơn vị tính tiên lượng mời thầu; Kinh nghiệm thi công những hạng mục chính; Yêu cầu về vật liệu; Yêu cầu về trạm trộn bê tông nhựa… Trước những kiến nghị chỉ rõ tính bất hợp lý, chưa đúng với quy định của Luật Đấu thầu, ngày 25/5, Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên đã buộc phải tiếp thu và ban hành Phụ lục sửa đổi HSMT đã ban hành.

Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản trả lời từ phía Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên, các nhà thầu tham gia mua hồ sơ vẫn tiếp tục đề nghị làm rõ một số điểm bất cập còn tồn tại trong HSMT. Một lần nữa, Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên đã phải ban hành văn bản trả lời trên cơ sở tiếp thu chỉnh sửa 3/6 tiêu chí còn bất cập mà phía doanh nghiệp chỉ ra!?  

leftcenterrightdel
Trụ sở Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên. 

Có phải do năng lực?

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất được các nhà thầu quan tâm chính là yêu cầu về hợp đồng tương tự. HSMT do Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên phát hành đưa ra quy định đơn vị dự thầu phải hoàn thành ít nhất 01 hợp đồng thi công xây dựng công trình giao thông trên khu vực miền núi có giá trị ≥ 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 5, mục I Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước có quy định: “Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...”. Như vậy, việc bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải đưa ra hợp đồng tương tự trên “Khu vực miền núi” là không phù hợp với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, với việc đưa ra tiêu chí trên còn hạn chế sự tham gia của các nhà thầu đã thực hiện các công trình ở khu vực khác như: Đồng bằng, trung du hay trung du miền núi… vi phạm quy định của khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, ngay trong quy định về hợp đồng tương tự do HSMT đưa ra cũng có sự mâu thuẫn, cụ thể yêu cầu về hợp đồng: “Hoàn thành (hoặc cơ bản hoàn thành) ít nhất 01 hợp đồng thi công xây dựng công trình giao thông, trong đó có hạng mục cầu dầm BTCT DWL có giá trị >4,5 tỷ đồng; Hoàn thành (hoặc cơ bản hoàn thành) ít nhất 01 hợp đồng thi công xây dựng công trình dân dụng, có giá trị >8,5 tỷ đồng” thì không yêu cầu ở khu vực nào?

Theo như quan điểm của ADB về lựa chọn nhà thầu có quy định tại tập tài liệu Hướng dẫn mua sắm do ADB phát hành vào 4/2015 thì ADB chỉ đánh giá nhà thầu dựa trên năng lực, khả năng kỹ thuật và tài chính chứ không đưa ra yêu cầu có tính chất cụ thể và riêng biệt nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Trước những kiến nghị nêu trên, Phó Giám đốc Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên Đoàn Văn Chì cho biết: Miền núi ở đây không bó hẹp tại một địa bàn cụ thể nào. Với các địa hình dốc > 30% đều được thiết kế theo cấp công trình miền núi. Do đó, yêu cầu này không phải là hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Theo phản ánh của các nhà thầu, Ban thực hiện dự án du lịch tỉnh Điện Biên chưa từng thực hiện các dự án về giao thông nên thiếu và yếu về kinh nghiệm. Tuy nhiên, những sai sót này của bên mời thầu đã dẫn đến nghi vấn: Có hay không sự can thiệp để việc đấu thầu rộng rãi trở thành chỉ định thầu?

Hoàng Long