Từ sai phạm liên tiếp tại dự án Danko City Thái Nguyên...

Danko City Thái Nguyên (Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên) được biết đến là dự án đầu tiên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko triển khai tại tỉnh Thái Nguyên được khởi công từ năm 2019. Đây đồng thời cũng được giới thiệu là siêu dự án hiện đại bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên, quy mô sử dụng đất 50ha, tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 21/05/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1336/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư “Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên”. Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko là nhà đầu tư trúng thầu Dự án này. Ngày 14/9/2020, Sở Xây dựng Thái Nguyên chính thức cấp Giấy phép xây dựng số 25/GPXD cho Tập đoàn Danko. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko được phép xây dựng các công trình cảnh quan thuộc Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên (Giai đoạn 1 phần diện tích 47,22ha). Nhà đầu tư được xây dựng tổng số 06 công trình là: Hệ thống giao thông, san nền; hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc và công trình cổng chính.

leftcenterrightdel
Dự án Danko City Thái Nguyên phát sinh hàng loạt sai phạm ngay từ khi triển khai. (Ảnh: Hoàng Hà).

Song trên thực tế, trước đó, ngày 28/7/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko đã tổ chức động thổ thi công dự án Khu nhà ở Cao Ngạn với sự tham gia của đại diện lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên cùng các ban ngành chức năng. Ngay sau lễ động thổ, đơn vị thi công đã tổ chức san ủi, đổ đất san lấp tạo mặt bằng và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của Dự án. Như vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko đã tổ chức động thổ và thi công dự án Khu nhà ở Cao Ngạn từ trước khi được Sở Xây dựng Thái Nguyên cấp Giấy phép xây dựng.

Chưa dừng lại ở đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko còn ngang nhiên triển khai thi công hạng mục Tháp biểu tượng nằm trên lô đất CX-04, CX-05 trong Dự án Danko City Thái Nguyên khi chưa có giấy phép của Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

leftcenterrightdel
Hạng mục Tháp biểu tượng tại Dự án Danko City Thái Nguyên được thi công khi chưa có giấy phép xây dựng. (Ảnh: Ninh Nhi). 

Điểm c, điểm e Khoản 2 Điều 89, Luật xây dựng 2014 đã nêu rõ, công trình được miễn giấy phép xây dựng bao gồm công trình xây dựng tạm thời để phục vụ thi công xây dựng công trình chính hoặc Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko tự ý thi công khi chưa có giấy phép xây dựng là hành vi vi phạm các quy định hiện hành. Được biết, với vi phạm này, ngày 21/7/2020, Sở Xây dựng đã có Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko 40 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy, dù là dự án đầu tay, nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko đã để liên tiếp để xảy ra nhiều sai phạm tại Dự án Danko City Thái Nguyên. Xung quanh những sai phạm nói trên, dư luận đã và đang đặt nhiều dấu hỏi về tính thần thượng tôn pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko. Là nhà đầu tư dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, phải chăng Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko không nắm rõ các quy định pháp luật về trình tự triển khai dự án hay nắm được nhưng cố tình không thực hiện? Sai phạm phát sinh ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, liệu trong quá trình thi công, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko có còn để xảy ra sai phạm khác?

Đến loạt dự án "nghìn tỷ" của Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị Tây Nam đại lộ Nam sông Mã 1, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Danko. Dự án có diện tích sử đụng đất khoảng hơn 23,4ha. Về cơ cấu sản phẩm, dự án có khoảng 422 căn nhà ở gồm 350 căn liền kề, 72 căn biệt thự với quy mô dân số ước tính 1.700 người.

Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong khu đô thị là khoảng 1,7ha. Vốn đầu tư của dự án là khoảng 3.600 tỷ đồng. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt. Nhà đầu tư trúng thầu phải huy động 100% nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định. Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm, được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ quý I/2022 đến quý IV/2026.

Cùng với Thái Nguyên, Thanh Hóa, được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Danko hiện đang hoặc sắp làm nhà đầu tư của các dự án tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn…

Điển hình là tại tỉnh Phú Thọ, đơn vị này cũng đã trúng thầu dự án Khu nhà ở đô thị phía Bắc xã Trưng Vương có quy mô hơn 24,4ha; được đầu tư với mục tiêu xây dựng các căn nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; công trình công cộng, công trình giáo dục; cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2027 kể từ ngày trúng thầu.

Tương tự tại tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Tập đoàn Danko cũng là nhà đầu tư dự án Đầu tư phát triển đô thị (Khu đô thị mới Định Trung) tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên. Đây là dự án đầu tư sử dụng đất, tổng diện tích quy hoạch là 24,693 ha, bao gồm: đất ở; đất công cộng dịch vụ thương mại; đất cây xanh… Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 1.055,88 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 96 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Danko đã đề xuất được tài trợ kinh phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 2 dự án (quy mô hơn 110ha) tại huyện Cao Lộc gồm: khu đô thị mới Cao Lộc (khoảng 26ha) và khu đô thị và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Phai Luông (khoảng 98ha). Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đơn vị này đề xuất được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Vấn đề đặt ra là, liên tiếp đề xuất và triển khai những dự án với số vốn đầu tư nhiều nghìn tỷ, liệu năng lực tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Danko có thực sự bảo đảm? Và tại những dự án "nghìn tỷ" này, Công ty cổ phần Tập đoàn Danko sẽ làm gì để không tái diễn loạt sai phạm đã như diễn ra tại Dự án Danko City Thái Nguyên?

Mặt khác, theo thông tin, tài liệu phóng viên có được, không chỉ riêng tại Dự án Danko City Thái Nguyên, mà tại Dự án Khu nhà ở phường Bách Quang do Công ty cổ phần tập đoàn Danko thực hiện tại phường Bách Quang, TP Sông Công cũng có nhiều dấu hiệu sai phạm. Dự án Khu nhà ở phường Bách Quang có quy mô rộng 24 ha, gồm: xây dựng các dãy nhà ở kết hợp thương mại shophouse; khu trung tâm thương mại, dịch vụ; cây xanh và các hạng mục công trình công cộng khác với tổng mức đầu tư trên 344 tỷ đồng.

Đặc biệt, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích 14,3ha đất trồng lúa thuộc Dự án Danko City Thái Nguyên cũng như hàng loạt "ưu ái" của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án này.

Theo Dangcongsan.vn